|
Các đại biểu tham dự cuộc họp. |
Trong thời gian diễn ra cuộc họp, INTERPOL đã trao đổi thông tin của gần 100 đối tượng truy nã quốc tế liên quan đến tội phạm môi trường nghi lẩn trốn tại các nước tham gia Chiến dịch. Trong số đó có 13 đối tượng truy nã có thông tin nghi lẩn trốn vào Việt Nam, gồm 09 đối tượng quốc tịch nước ngoài (Trung Quốc, Campuchia, Hàn Quốc) và 04 đối tượng quốc tịch Việt Nam.
Tại cuộc họp song phương giữa INTERPOL và các nước tham gia Chiến dịch, Ban An ninh môi trường của INTERPOL đã trao đổi với Đoàn Việt Nam về tình hình mua bán, vận chuyển trái phép loài cá chình châu Âu (Eupoeen Eel; tên khoa học: Anguila Anguila), cụ thể: Cá chình Châu Âu là loài đặc hữu ở các nước hai bên bờ Đại Tây Dương (Hoa Kỳ, Canada, Pháp, Tây Ban Nha), nằm trong Phụ lục 2 Công ước Cites (là loài nguy cấp, bị cấm xuất, nhập khẩu, quá cảnh vì mục đích thương mại) và Nghị định số 06/2019/NĐ-CP ngày 22/01/2019 của Chính phủ về tiêu chí xác định loài và chế độ quản lý loài thuộc danh mục nguy cấp, quý hiếm. Hiện nay, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và Hồng Kông là các quốc gia, vùng lãnh thổ có nhu cầu rất lớn đối với cá chình châu Âu do các tác dụng đối với sức khỏe.
Theo trao đổi của INTERPOL, hoạt động đánh bắt, buôn lậu cá chình châu Âu gia tăng mạnh trong thời gian gần đây, mang lại lợi nhuận rất lớn, đặc biệt trong mùa đánh bắt từ tháng 10/2022 đến tháng 6/2023. Các đối tượng đánh bắt trái phép và buôn lậu thường khai thác cá chình chưa trưởng thành đến các nước có nhu cầu cao để nuôi lớn và mua bán trái phép (do cá chình chưa trưởng thành có kích thước nhỏ, sức sống cao, dễ vận chuyển) với lợi nhuận thu được rất lớn (cá chình con có giá xấp xỉ 1.000 đô la Mỹ /1kg với khoảng 100-120 con; giá trị thành phẩm khi trưởng thành hiện vào khoảng 7.000-10.000 đô la Mỹ/1 kg tùy thời điểm).
Chỉ trong khoảng thời gian từ tháng 01/2023 đến 06/2023, Cơ quan chức năng của các nước châu Âu đã phát hiện, bắt giữ hơn 200 đối tượng vận chuyển trái phép cá chình châu Âu. Đáng lưu ý, trong số đó có 37 đối tượng quốc tịch Malaysia, Trung Quốc vận chuyển 2,222 kg cá chình châu Âu với điểm đến cuối cùng là Việt Nam. EUROPOL và INTERPOL đánh giá Việt Nam là điểm chung chuyển quan trọng và có thể có các đường dây tại Việt Nam vận chuyển trái phép cá chình từ châu Âu về châu Á, quá cảnh qua Việt Nam. Ban An ninh môi trường của INTERPOL đề nghị Việt Nam sớm có cảnh báo về phương thức, thủ đoạn vận chuyển trái phép cá chình châu Âu quá cảnh qua Việt Nam để kịp thời kiểm tra, phát hiện một cách có hiệu quả các đối tượng có hành vi phạm tội.
Tham dự cuộc họp, Đoàn Việt Nam đã xác minh thông tin sơ bộ về 13 đối tượng truy nã phạm tội về môi trường có thông tin nghi lẩn trốn tại Việt Nam để trao đổi với INTERPOL và các quốc gia tham gia Chiến dịch. Đồng thời, Đoàn Việt Nam cũng gặp gỡ, trao đổi với đại diện các nước tham gia Chiến dịch, cũng như Ban hỗ trợ điều tra tội phạm truy nã của INTERPOL để đề nghị phối hợp xác minh, truy bắt các đối tượng truy nã của Việt Nam lẩn trốn ra nước ngoài. Qua trao đổi, các nước và INTERPOL đều đánh giá cao hoạt động hợp tác song phương, phối hợp truy nã tội phạm giữa Việt Nam và các nước trong thời gian qua.