Hội nghị sỹ quan liên lạc INTERPOL thúc đẩy việc khai thác và sử dụng cơ sở dữ liệu của INTERPOL

15/11/2023
Vừa qua, INTERPOL tổ chức Hội nghị sỹ quan liên lạc INTERPOL lần thứ 2 tại Lyon, Cộng hòa Pháp. Tham dự Hội nghị có hơn 78 đại biểu đến từ 58 quốc gia, vùng lãnh thổ.

Hội nghị đã tiến hành đánh giá về tình hình khai thác và sử dụng hệ thống cơ sở dữ liệu INTERPOL của các quốc gia, khu vực trong thời gian qua. Theo thống kê của Ban Tổng thư ký INTERPOL trong 6 tháng cuối năm 2022 và 6 tháng đầu năm 2023, việc truy cập, khai thác, trao đổi thông tin của Văn phòng INTERPOL các quốc gia và vùng lãnh thổ đã tăng lên đáng kể về lượng truy cập, tần suất truy cập: (1) Thời gian phản hồi đối với mỗi yêu cầu tra cứu thông tin trên cơ sở dữ liệu là 0,5 giây; (2) 1,4 triệu cảnh báo nghi trùng thông tin; (3) Mỗi 1 giây có 187 lượt tìm kiếm, tra cứu trên cơ sở dữ liệu; (4) Mỗi ngày có 16 triệu lượt tìm kiếm, tra cứu trên cơ sở dữ liệu; (5) Tổng số đã có 5,9 tỷ lượt tìm kiếm, tra cứu trên cơ sở dữ liệu; (6) 125 triệu hồ sơ dữ liệu của Cảnh sát được lưu trên cơ sở dữ liệu INTERPOL.

 

Toàn cảnh Hội nghị.
Toàn cảnh Hội nghị.


Các cơ sở dữ liệu được tra cứu, tìm kiếm nhiều từ các Văn phòng INTERPOL quốc gia là: Cơ sở dữ liệu về đối tượng (NOMINAL); Cơ sở dữ liệu về nhận dạng khuôn mặt (FACIAL RECOGNITION); Cơ sở dữ liệu về vân tay (AFIS); Cơ sở dữ liệu về gen (ADN); Cơ sở dữ liệu về hộ chiếu, giấy tờ mất và mất cắp (SLTD) và Cơ sở dữ liệu phương tiện mất cắp (SMV). Ngoài ra có 02 cơ sở dữ liệu cũng thường được truy cập, truy vấn là: Cơ sở dữ liệu về giám định ma túy (RELIEF) và cơ sở dữ liệu đối tượng khủng bố (GEIGER).

Tại Hội nghị, INTERPOL cũng tập trung giới thiệu về các ưu điểm, thuận lợi của công cụ I-link so với mạng I-24/7; cơ sở dữ liệu giám định ma túy (RELIEF) và cơ sở dữ liệu vân tay (AFIS):

Đối với công cụ I-link, INTERPOL bắt đầu đưa vào khai thác sử dụng từ tháng 5 năm 2022. Các quốc gia thành viên có thể sử dụng công cụ I-link để gửi các yêu cầu, cảnh báo hoặc thông tin dữ liệu đến Văn phòng INTERPOL của quốc gia khác. Mọi yêu cầu, cảnh báo này đồng thời cũng được gửi đến Ban Tổng thư ký INTERPOL và lưu trữ vào cơ sở dữ liệu của INTERPOL. Trong trường hợp các dữ liệu này là mật, các quốc gia thành viên vẫn có thể thiết lập giới hạn quyền truy cập. Trong khi đó, với mạng I-24/7, mọi yêu cầu, trao đổi thông tin chỉ được gửi giữa các quốc gia hoặc gửi đến Ban Tổng thư ký INTERPOL. Thông tin không được lưu trữ trên hệ thống cơ sở dữ liệu của INTERPOL mà chỉ có thể truy cập từ địa chỉ email của đơn vị gửi và đơn vị tiếp nhận. Tùy từng trường hợp, các quốc gia sẽ quyết định sử dụng mạng I-24/7 hay công cụ I-link để gửi yêu cầu, cảnh báo hay chia sẻ dữ liệu với INTERPOL và các quốc gia thành viên khác.

Cơ sở dữ liệu giám định ma túy (RELIEF): Cơ sở dữ liệu này bao gồm các hình ảnh mô tả về đặc điểm nhận dạng của các loại ma túy, gồm có: đặc điểm về hình dạng, hình thức (dạng bột, dạng nén), màu sắc, kích thước, cách thức sản xuất (đóng bánh, viên nén, viên bao phin), logo, dấu vết để lại trong quá trình sản xuất, đóng gói, thành phần hóa học của các loại ma túy, thời gian, địa điểm thu giữ ma túy… Hiện cơ sở dữ liệu lưu trữ gần 40.000 hình ảnh, thông tin về các loại ma túy do 14 quốc gia thành viên INTERPOL (chủ yếu là các nước châu Âu và Nam Mỹ) cung cấp, sử dụng. Cơ sở dữ liệu RELIEF hoạt động trên nền tảng website bảo mật có tích hợp công cụ chia sẻ, lưu trữ hình ảnh, công cụ tìm kiếm đa chức năng (tìm kiếm bằng hình ảnh hoặc bằng văn bản), công cụ nhận diện và đánh dấu đặc điểm nhận diện tự động, công cụ so sánh, đối chiếu tự động. Qua việc tìm kiếm, đối chiếu bằng hình ảnh, cơ sở dữ liệu RELIEF có thể nhận diện các loại ma túy có cùng cách thức đóng gói, đặc điểm nhận diện (cùng logo, phương thức, công cụ sản xuất), thành phần hóa học…từ đó xác định được nguồn gốc của ma túy, hỗ trợ hoạt động điều tra xuyên quốc gia, hợp tác quốc tế phòng, chống ma túy giữa các nước có sử dụng cơ sở dữ liệu này.

Cơ sở dữ liệu vân tay (AFIS): Cơ sở dữ liệu này đang lưu trữ khoảng 189.000 mẫu so sánh. AFIS lưu trữ mẫu vân tay 10 ngón, có khả năng cho kết quả so sánh 1.000 mẫu/ngày, hoạt động 24/24 giờ. AFIS cũng cho phép truy nguyên được đối tượng với một số trường hợp mẫu so sánh không đầy đủ hoặc bị mờ, cũ do các lý do khách quan. Từ đầu năm đến nay, AFIS đã cung cấp hơn 1.200 kết quả so sánh mẫu vân tay cho Cảnh sát các nước phục vụ công tác điều tra và truy tìm nạn nhân.

Thông qua hệ thống thông tin toàn cầu I-24/7, cảnh sát các quốc gia thành viên có thể truy cập và sử dụng các cơ sở dữ liệu của INTERPOL, đồng thời cập nhật thông tin cho các cơ sở dữ liệu này để lực lượng Cảnh sát các quốc gia thành viên cùng khai thác, sử dụng, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công tác hợp tác quốc tế phòng, chống tội phạm.

Bản quyền INTERPOL Việt Nam
Tìm kiếm