Tháng 5/2023, INTERPOL phối hợp với cảnh sát Bỉ, Hà Lan và Đức đưa ra thông báo quốc tế công khai nhằm xác định danh tính 22 phụ nữ được cho là đã bị sát hại.
Một trong số đó là vụ án xảy ra vào ngày 3/6/1992: Thi thể một người phụ nữ bị giết hại dã man, được tìm thấy trên một tấm lưới dưới sông Groot Schijn gần Ten Eekhovelei ở Antwerp, Bỉ. Vụ án mang tên “người phụ nữ có hình xăm bông hoa”. Đặc điểm nổi bật nhất của cô là hình xăm một bông hoa màu đen với những chiếc lá màu xanh lá cây trên cẳng tay trái và có dòng chữ 'R'Nick' bên dưới. Trong ba thập kỷ, nạn nhân vẫn không được xác định danh tính.
|
Ảnh phụ nữ bị sát hại đã được xác định danh tính trong Chiến dịch Nhận dạng tôi (Identify Me). |
Rita Roberts 31 tuổi, chuyển đến Antwerp từ Cardiff vào tháng 02/1992. Lần cuối cùng cô liên lạc với người thân qua bưu thiếp là vào tháng 5/1992. Ngày 10/5/2023, chiến dịch Nhận dạng Tôi đã được triển khai, nhận được sự quan tâm đáng kể và thu được khoảng 1.250 thông tin từ cộng đồng. Một thành viên gia đình ở Anh đã nhận ra hình xăm trên tin tức và đã thông báo cho INTERPOL, chính quyền Bỉ thông qua trang web của Chiến dịch. Sau đó, gia định bị hại đã đến Bỉ và xác định danh tính người thân.
Hiện tại, khi danh tính nạn nhân đã được xác định, chính quyền Bỉ đang kêu gọi người dân cung cấp các thông tin, sự việc liên quan đến Rita Roberts cũng như cái chết của cô. Những thông tin này có thể được gửi qua biểu mẫu trực tuyến trên trang web của INTERPOL.
Trong chiến dịch Nhận dạng tôi, lần đầu tiên INTERPOL đã công khai các thông tin trích từ thông báo Đen. Đây là thông báo đặc biệt của INTERPOL nhằm tìm kiếm thông tin về các thi thể không xác định được danh tính, hoặc thông tin liên quan đến vụ việc. Thông báo Đen có thể bao gồm thông tin về vị trí tìm thấy thi thể, thông tin sinh trắc học (ADN, dấu vân tay, hình ảnh khuôn mặt), biểu đồ nha khoa, mô tả thi thể, quần áo và bất kỳ chi tiết nào khác liên quan đến việc xác định danh tính người đã khuất.
Kể từ năm 2021, INTERPOL đã cung cấp cho các nhà điều tra một công cụ toàn cầu mới, cơ sở dữ liệu I-Familia, giúp xác định các thi thể thông qua việc so sánh ADN với thành viên của gia đình. Điều này dựa trên sự đóng góp ADN tự nguyện từ người thân của những người mất tích, cũng như nhấn mạnh vai trò của cộng đồng và các đối tác trong việc xác định danh tính những người mất tích.
Hiện, chiến dịch Nhận dạng tôi vẫn tiếp tục được tiến hành. Mọi thông tin liên quan, đề nghị tham khảo trang web www.INTERPOL.int/IM và liên hệ với INTERPOL hoặc Cơ quan quốc gia có liên quan.