Hỏi đáp trực tuyến

Những kỹ năng để học sinh, sinh viên không trở thành nạn nhân của những đối tượng mua bán người

Người gửi: Hoàng Khôi

Theo thông tin trên báo chí phản ánh, hằng năm có hàng nghìn nạn nhân là học sinh, sinh viên bị lừa bán ra nước ngoài. Bộ Công an cho tôi hỏi, học sinh, sinh viên cần trau dồi những kỹ năng gì để không trở thành nạn nhân của những đối tượng mua bán người? Theo quy định của pháp luật, gia đình và nhà trường có trách nhiệm như thế nào trong công tác đấu tranh, phòng ngừa mua bán người?

Ngày hỏi: 21/06/2022 Lượt xem: 4580

Câu trả lời

- Để không trở thành nạn nhân của tội phạm mua bán người, trước hết bản thân cần nêu cao tinh thần cảnh giác, tự bảo vệ mình và người thân. Đây là yếu tố cần thiết trong công tác phòng ngừa, tránh tạo môi trường thuận lợi để bọn tội phạm hoạt động. Luôn cảnh giác, đề phòng người lạ hoặc cả người thân đi làm ăn xa trở về hứa hẹn tìm việc hoặc rủ hợp tác làm ăn. Cảnh giác với những lời hứa hẹn, dụ dỗ tìm việc làm có thu nhập cao trong các nhà máy, cửa hàng, quán bar, giúp việc trong nước, nước ngoài hoặc lấy chồng nước ngoài giàu có. Từ chối mọi sự giúp đỡ về tiền bạc, lợi ích vật chất của người khác, nhất là từ người lạ mới quen biết. Tìm hiểu thật kỹ về địa danh, địa điểm mà mình định đến và đặc điểm, nhân thân của những người bạn đi cùng mình như thế nào. Trước khi đi hãy tham khảo ý kiến mọi người và thông báo, nhắn gửi cho gia đình, người thân biết bạn sẽ đi đâu, đi với ai trước khi quyết định đi xa. Thường xuyên tìm hiểu để nâng cao trình độ văn hoá, pháp luật, kỹ năng tự bảo vệ, có thể đảm bảo an toàn cho bản thân và giúp cho người thân khỏi bị mua bán. Quan trọng luôn nhớ địa chỉ và số điện thoại tin cậy, có thể là của chính quyền, cơ quan, tổ chức, người thân,… để có thể liên hệ giúp đỡ khi cần thiết. Đồng thời, tuyên truyền cho những người thân trong gia đình, bạn bè biết và cảnh giác với tội phạm mua bán người. 

Ngoài ra, các cơ quan, tổ chức cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập trung vào nhóm có nguy cơ cao trở thành nạn nhân để có các biện pháp và hình thức tuyên truyền phù hợp với đặc điểm của từng nhóm đối tượng, nội dung tập trung tuyên truyền chính sách pháp luật về phòng, chống mua bán người, phương thức thủ đoạn của tội phạm, kỹ năng phòng ngừa phát hiện… để nâng cao nhận thức, chủ động phòng tránh để không trở nạn nhân của tội phạm mua bán người.

- Về trách nhiệm của gia đình và nhà trường trong công tác đấu tranh, phòng ngừa mua bán người:

Luật Phòng, chống mua bán người đã quy định trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức trong đấu tranh phòng, chống mua bán người. Theo đó, trách nhiệm của gia đình được quy định tại Điều 13, gồm 04 khoản sau: (1). Cung cấp thông tin cho thành viên trong gia đình về thủ đoạn mua bán người và các biện pháp phòng, chống mua bán người (2). Phối hợp với nhà trường, cơ quan, tổ chức và các đoàn thể xã hội trong phòng, chống mua bán người (3). Chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân là thành viên của gia đình để họ hoà nhập cuộc sống gia đình và cộng đồng (4). Động viên nạn nhân là thành viên của gia đình hợp tác với cơ quan có thẩm quyền trong phòng, chống mua bán người.

Trách nhiệm của nhà trường và các cơ sở giáo dục, đào tạo tham gia phòng, chống mua bán người được quy định tại Điều 14, gồm 04 khoản sau: (1). Quản lý chặt chẽ việc học tập và các hoạt động khác của học sinh, sinh viên, học viên (2). Tổ chức tuyên truyền, giáo dục ngoại khoá về phòng, chống mua bán người phù hợp với từng cấp học, ngành học (3). Tạo điều kiện thuận lợi để học sinh, sinh viên, học viên là nạn nhân học văn hoá, học nghề, hoà nhập cộng đồng (4). Phối hợp với gia đình, cơ quan, tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống mua bán người.

 

Người trả lời: Bộ Công an