Thống nhất trình Quốc hội cho ý kiến thông qua 02 Luật liên quan xuất nhập cảnh theo trình tự rút gọn tại Kỳ họp thứ 5

14/04/2023
Chiều 14/4/2023, tiếp tục phiên họp Chuyên đề pháp luật tháng 4/2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về đề nghị xây dựng Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, đồng thời xem xét về việc trình Quốc hội quyết định bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì phiên họp.


Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì phiên họp. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên thảo luận, kết luận phiên họp.

Tại phiên họp, Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an đã thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

Bộ trưởng Tô Lâm nêu rõ những căn cứ, sự cần thiết ban hành luật. Theo đó, khi luật được ban hành sẽ góp phần tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, hoàn thiện quy định về việc thực hiện các thủ tục hành chính trong lĩnh vực quản lý xuất, nhập cảnh trên môi trường điện tử. Bảo đảm cơ sở pháp lý cho việc thực hiện cấp, trình báo mất và khôi phục giá trị sử dụng của hộ chiếu phổ thông qua Cổng dịch vụ công; hoàn thiện cơ sở pháp lý nhằm vừa thu hút người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, vừa đảm bảo giữ vững an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự, an toàn xã hội.

Bộ trưởng Tô Lâm trình bày tờ trình tại phiên họp.


“Những luật trên khi được thông qua sẽ góp phần đơn giản hóa thủ tục, đẩy mạnh thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử; tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho công dân Việt Nam trong việc cấp giấy tờ xuất, nhập cảnh và người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú tại Việt Nam cũng như cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc mời, đón người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam; hoàn thiện cơ sở pháp lý, đồng bộ, thống nhất và nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam”- Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định.

Trình bày báo cáo thẩm tra, Trung tướng Lê Tấn Tới, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh (QP và AN) của Quốc hội thông tin, Thường trực Ủy ban QP và AN của Quốc hội nhất trí cao với tờ trình của Chính phủ, đồng thời khẳng định: “Sau thời gian thực hiện, một số quy định của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam cần được bổ sung, thay đổi nhằm kịp thời khắc phục những hạn chế, bất cập trong Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam, người nước ngoài; góp phần cải cách hành chính; tạo điều kiện thuận lợi cho công dân Việt Nam, người nước ngoài; thu hút mạnh mẽ người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam du lịch, đầu tư, thúc đẩy mạnh mẽ phát triển kinh tế - xã hội…”.

Chủ nhiệm Ủy ban QP và AN Lê Tấn Tới cũng khẳng định, Thường trực Ủy ban QP và AN nhận thấy việc bổ sung một số quy định, thông tin có liên quan đến xây dựng Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam theo thủ tục rút gọn là cần thiết, qua đó giải quyết những vướng mắc trong thực tiễn khi thi hành Luật của công dân Việt Nam cũng như người nước ngoài. Thường trực Ủy ban QP và AN đồng ý thống nhất hồ sơ dự án luật Chính phủ trình đã đầy đủ các tài liệu quy định, đủ điều kiện báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5.

Các đại biểu nhất trí trình dự án xây dựng Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam vào Kỳ họp thứ 5.


Tại phiên họp, các đại biểu đã tập trung trí tuệ, thời gian để thảo luận về những nội dung liên quan đến Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam. 100% đại biểu thống nhất bổ sung dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 theo trình tự rút gọn tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, qua đó góp phần đơn giản hóa thủ tục, đẩy mạnh thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho người Việt Nam, người nước ngoài xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, cư trú tại Việt Nam và cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc mời, đón người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam.

Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đánh giá, việc xây dựng Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam có tác dụng rất lớn, góp phần phục hồi phát triển kinh tế - xã hội nhất là sau đại dịch COVID-19, nâng cao công tác quản lý, bảo đảm an ninh trật tự; phù hợp với xu thế chung của thế giới, đồng thời cũng thể hiện tầm vóc quản lý của đất nước, của ngành Công an.

“Tác động của luật đối với phát triển kinh tế - xã hội rất lớn, chắc chắn không chỉ người dân Việt Nam chúng ta mà người nước ngoài sẽ ủng hộ. Tôi hoàn toàn ủng hộ, nhất trí với tờ trình do Bộ trưởng Tô Lâm trình bày”- Phó Chủ tịch Trần Quang Phương cho biết. 

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu kết luận tại phiên họp.


Tiếp thu giải trình ý kiến của các đại biểu, Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định sẽ tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến để báo cáo Chính phủ hoàn thiện hồ sơ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5; đồng thời giải trình một số vấn đề cụ thể đại biểu nêu. Bộ trưởng Tô Lâm cũng đánh giá, chia sẻ một số nội dung có liên quan đến công tác phòng, chống tội phạm, đảm bảo an ninh, trật tự, xuất, nhập cảnh, miễn thị thực song phương và đa phương, cải cách việc cấp thị thực, xuất cảnh nhiều lần, kéo dài thời gian lưu trú… cũng như đảm bảo quốc phòng, an ninh.

Đồng tình với những nội dung đưa ra tại phiên họp, phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định khẳng định, 4 chính sách nêu ra trong tờ trình hết sức phù hợp. Đây cũng là sự cố gắng đổi mới trong công tác quản lý Nhà nước của Chính phủ nói chung cũng như ngành Công an nói riêng. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo cần tiếp tục hoàn thiện hồ sơ, báo cáo làm rõ những nội dung Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thẩm tra, cho ý kiến để đảm bảo thể chế hóa đầy đủ quan điểm của Đảng, khắc phục những khó khăn, vướng mắc, đáp ứng yêu cầu tình hình thực tiễn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội với tinh thần mở rộng cửa để hội nhập phát triển đất nước. Thường vụ Quốc hội thống nhất trình Quốc hội cho ý kiến thông qua theo trình tự rút gọn tại Kỳ họp thứ 5.

Minh Ngọc - Hoàng Phong
Tìm kiếm