Trong những năm qua, hoạt động của tội phạm làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành các loại tiền Việt Nam giả, ngoại tệ giả, thẻ tín dụng giả, ngân phiếu giả, công trái giả, séc giả và các giấy tờ có giá giả khác (sau đây gọi tắt chung là “tiền giả”) diễn biến hết sức phức tạp và có chiều hướng gia tăng, gây hoang mang lo lắng trong nhân dân, là nhân tố tiềm ẩn gây tác động tiêu cực đến việc hoạch định và thực hiện chính sách tiền tệ của Nhà nước. Tình hình đó đặt ra yêu cầu cấp bách cho lực lượng Công an phải tổng kết, đánh giá kết quả công tác phòng ngừa, đấu tranh, rút ra bài học kinh nghiệm, trên cơ sở đó chủ động xây dựng kế hoạch phối hợp với các ngành chức năng, bố trí lực lượng phù hợp, tăng cường các biện pháp nghiệp vụ, phương tiện kỹ thuật nhằm đấu tranh ngăn chặn có hiệu quả với loại tội phạm này trong thời gian tới.
Báo cáo tại hội nghị cho thấy, thời gian qua Bộ Công an đã có nhiều văn bản báo cáo Chính phủ đề xuất biện pháp đấu tranh. Căn cứ đề xuất của Bộ Công an, ngày 30/6/2003, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 130/2003/QĐ-TTg về “Bảo vệ tiền Việt Nam”, trong đó giao Bộ Công an chịu trách nhiệm chính, toàn diện công tác đấu tranh phòng, chống tiền giả, bảo vệ tiền Việt Nam. Trên cơ sở những văn bản hướng dẫn của Bộ, Công an các đơn vị, địa phương đã chủ động triển khai các mặt công tác nghiệp vụ cơ bản, khảo sát nắm tình hình theo tuyến, địa bàn trọng điểm, nhất là các tỉnh giáp biên và đề ra các giải pháp xoá bỏ các điều kiện nảy sinh tội phạm. Phối hợp với ngành Ngân hàng soạn thảo tài liệu tuyên truyền, phổ biến cho nhân dân cách phân biệt tiền thật- tiền giả; nâng cao ý thức cảnh giác tố giác tội phạm…
Từ công tác đấu tranh, phòng ngừa nêu trên, với sự hỗ trợ của Bộ đội Biên phòng, Hải quan… và sự giúp sức của nhân dân đã tạo điều kiện cho công tác phát hiện, đấu tranh với tội phạm tiền giả ngày càng hiệu quả hơn. Nhiều vụ đối tượng tàng trữ, vận chuyển, tiêu thụ tiền giả số lượng lớn đã bị phát hiện và xử lý.
|
Đồng chí Lương Tam Quang, Phó Chánh Văn phòng Bộ hướng dẫn thảo luận
|
Nhận định thời gian tới, trong bối cảnh Việt Nam hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, các tổ chức tội phạm xuyên quốc gia sẽ tìm cách xâm nhập vào nước ta để móc nối, cấu kết với các tổ chức tội phạm trong nước, tiếp tục mở rộng địa bàn hoạt động, trong đó có tội phạm về tiền giả. Vì vậy, tội phạm về tiền giả sẽ có khả năng biến động theo chiều hướng gia tăng về số lượng tiền giả, số đối tượng tham gia; phương thức, thủ đoạn, tính chất phạm tội ngày càng đa dạng, phức tạp, gây ra nhiều hậu quả xấu về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Những dự báo trên đây đặt ra tính cấp thiết, yêu cầu nhiệm vụ mới cho công tác bảo vệ an ninh tài chính- tiền tệ nói riêng và an ninh kinh tế nói chung trong thời gian tới.
Trước yêu cầu cấp thiết đặt ra cho công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm tiền giả, trên cơ sở đề xuất của Bộ Công an, ngày 02/01/2009, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 03/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả, séc giả, ngân phiếu giả, công trái giả và các giấy tờ có giá giả khác”. Đề án được thực hiện từ 2009- 2015.
Các ý kiến tham luận tại Hội nghị đã tập trung phân tích sâu về hình hình, kết quả, những nguyên nhân, bài học kinh nghiêm rút ra từ thực tiễn đấu tranh và đề xuất các giải pháp cụ thể nhằm nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tiền giả thời gian tới./.