Hội nghị AMCC-7 do bà Josephine Teo, Bộ trưởng Truyền thông và Thông tin và Bộ trưởng phụ trách Quốc gia thông minh và An ninh mạng nước Cộng hòa Singapore chủ trì. Phiên họp kín của Hội nghị AMCC có sự tham dự của các đại biểu từ tất cả các Quốc gia Thành viên ASEAN (AMS) cùng với Tổng Thư ký ASEAN.
Hội nghị AMCC-7 được xây dựng dựa trên các phiên họp AMCC trước đây và thảo luận về các nỗ lực của khu vực trong việc ứng phó với các mối đe dọa và tấn công mạng trong khu vực, đề xuất phương hướng các nước ASEAN có thể phối hợp lẫn nhau để tăng cường ứng phó chung trong khu vực. Về vấn đề này, các đại biểu hoan nghênh những tiến bộ đạt được đối với việc thành lập Trung tâm CERT khu vực ASEAN, đã được thông qua tại Hội nghị Bộ trưởng Kỹ thuật số ASEAN (ADGMIN) lần thứ 2 vào tháng 1/2022; mong đợi việc hoàn thiện Điều khoản tham chiếu của ASEAN CERT (TOR) để thông qua tại Hội nghị ADGMIN và việc thành lập Trung tâm ASEAN CERT tiếp sau đó để nâng cao năng lực an ninh mạng của khu vực, bao gồm trao đổi thông tin thông qua CERT-CERT và chia sẻ các thực tiễn tốt nhất… Các Bên tham gia cũng tái khẳng định sự ủng hộ và cam kết của họ đối với việc thúc đẩy các sáng kiến xây dựng năng lực thông qua Trung tâm Xây dựng Năng lực An ninh mạng ASEAN – Nhật Bản tại Thái Lan và Trung tâm An ninh mạng ASEAN – Singapore tại Singapore; mong đợi sự tăng cường của chương trình xây dựng năng lực khu vực, bao gồm các khả năng cần thiết để giải quyết các mối đe dọa mạng và kỹ thuật số mới hơn, tinh vi hơn…
|
Bộ trưởng Tô Lâm cùng các đại biểu dự Hội nghị. |
Phát biểu tại phiên họp với chủ đề thứ 1 “Thúc đẩy nỗ lực trong khu vực nhằm ứng phó với những mối đe dọa an ninh mạng và phòng, chống tấn công mạng”, Bộ trưởng Tô Lâm nêu rõ, ở Việt Nam, xu hướng chuyển đổi số, phát triển nền kinh tế số, xã hội số cũng đang diễn ra nhanh chóng, với hơn 70 triệu người sử dụng Internet (chiếm hơn 72% dân số), cao hơn so với mức trung bình của thế giới (51,4%) và các nước châu Á - Thái Bình Dương (44,5%); trong đó có khoảng 92 triệu người Việt Nam sử dụng mạng xã hội. Số lượng thuê bao di động được đăng ký tại Việt Nam lên đến 154,4 triệu; xếp hạng thứ 25 về chỉ số an toàn, an ninh mạng toàn cầu do Liên minh Viễn thông quốc tế ITU công bố. Việt Nam đẩy mạnh triển khai xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử với nhiều kết quả tích cực như vận hành Cổng dịch vụ công quốc gia tích hợp hơn 55 dịch vụ công quốc gia, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư góp phần xác lập nền tảng công dân số nhằm phục vụ hiệu quả công tác quản lý nhà nước về dân cư cũng như kết nối, chia sẻ thông tin về dân cư với các cơ sở dữ liệu khác.
Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh, hiện nay, những mối đe dọa, thách thức về an ninh mạng không ngừng gia tăng, phức tạp và khó lường, tác động đến ổn định chính trị, an ninh quốc gia và mọi mặt của đời sống xã hội. Theo thống kê của Kaspersky của Nga năm 2022, Việt Nam nằm trong nhóm 03 quốc gia bị tấn công mạng nhiều nhất tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Hoạt động tấn công mạng nhằm vào cơ sở hạ tầng thông tin quan trọng và dịch vụ thiết yếu diễn biến phức tạp. Nguy cơ bị tấn công mạng leo thang diện rộng, gây nguy cơ làm đình trệ hoạt động điều hành của Chính phủ, phá hoại hệ thống thông tin trong những lĩnh vực trọng yếu như năng lượng, tài chính, hàng không... làm đứt gãy chuỗi cung ứng đa quốc gia là hiện hữu.
|
Bộ trưởng Tô Lâm cùng các đại biểu dự Hội nghị. |
Bên cạnh đó, cùng với sự dịch chuyển các hoạt động của cơ quan Chính phủ, bộ, ngành, doanh nghiệp lên không gian mạng, tội phạm mạng, tội phạm sử dụng công nghệ cao tại Việt Nam ngày càng gia tăng cả về quy mô, số vụ và gây hậu quả nghiêm trọng với thủ đoạn tinh vi, phức tạp, như: tội phạm có tổ chức hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử, thanh toán thẻ, tài chính, ngân hàng; tội phạm sử dụng không gian mạng để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản; tội phạm tổ chức đánh bạc, đánh bạc, cá độ bóng đá trên mạng; tội phạm mua bán, phát tán thông tin người dùng, dữ liệu cá nhân...
Nhận thức được nguy cơ gia tăng và hậu quả nghiêm trọng của những mối đe dọa an ninh mạng và tấn công mạng, khu vực ASEAN đã và đang nỗ lực cùng nhau chia sẻ, hợp tác để ứng phó hiệu quả hơn với các thách thức này. Việc duy trì tổ chức thường niên Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về An ninh mạng của Singapore đã tạo ra diễn đàn quan trọng, kết nối các nước ASEAN cùng chia sẻ quan điểm và tiếng nói chung nhằm thúc đẩy các giải pháp sáng tạo, các hoạt động hợp tác thiết thực góp phần nâng cao năng lực phòng thủ mạng, xây dựng hệ sinh thái an ninh mạng an toàn, bền vững. Chiến lược hợp tác an mạng ASEAN giai đoạn 2021-2025 đã tập trung đưa ra một số giải pháp căn bản trong ứng phó với các mối đe dọa an ninh mạng và phòng, chống tấn công mạng, như: phát triển khung bảo vệ Cơ sở hạ tầng thông tin trọng yếu, xây dựng tiêu chuẩn an ninh mang khu vực, xây dựng chương trình nâng cao nhận thức an ninh mạng trong ASEAN... Việt Nam mong muốn tiếp tục tham gia tích cực, thực chất, hiệu quả vào quá trình thúc đẩy nỗ lực trong ASEAN nhằm ứng phó với những mối đe dọa an ninh mạng và phòng, chống tấn công mạng.
Nhân dịp Hội nghị lần này, Bộ trưởng Tô Lâm đề xuất một số phương hướng hợp tác an ninh mạng trong ASEAN. Trong đó, thúc đẩy thống nhất về nhận thức và hành động trong ASEAN đối với vấn đề an ninh mạng, chia sẻ quan điểm, tiếng nói chung tại các diễn đàn của Liên hợp quốc về an ninh mạng, đặc biệt là chương trình của Nhóm làm việc mở về An ninh mạng và Công nghệ thông tin (OEWG). Tiến hành khảo sát các lĩnh vực ưu tiên chung trong ASEAN để xây dựng các chương trình đào tạo nâng cao năng lực thuộc Trung tâm Nâng cao năng lực an ninh mạng ASEAN - Nhật Bản tại Thái Lan và Trung tâm An ninh mạng ASEAN - Singapore tại Singapore theo hướng trọng tâm, chuyên sâu.
|
Bộ trưởng Tô Lâm phát biểu tại Hội nghị. |
Phối hợp tổ chức diễn đàn pháp luật về an ninh mạng trong ASEAN để tăng cường trao đổi quan điểm đối với việc áp dụng luật pháp quốc tế trong lĩnh vực an ninh mạng, thực hiện nguyên tắc chủ quyền quốc gia trên không gian mạng; chia sẻ kinh nghiệm xây dựng và hoàn thiện chính sách, pháp luật về an ninh mạng. Phối hợp triển khai các chương trình nâng cao nhận thức an ninh mạng và kỹ năng sử dụng mạng Internet an toàn cho người sử dụng Internet trong ASEAN. Nghiên cứu, mở rộng hợp tác, phối hợp giữa các nước ASEAN với các đối tác thuộc khu vực tư nhân, đặc biệt là các doanh nghiệp sở hữu và vận hành hạ tầng của công nghệ thông tin, các hãng nghiên cứu và sản xuất các giải pháp an ninh mạng... nhằm huy động tiềm lực, tranh thủ sự hỗ trợ của các doanh nhiệp, từ đó nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm an ninh mạng, phòng, chống tấn công mạng, khủng bố mạng…