Tờ trình nêu rõ:
I. SỰ CẦN THIẾT BAN HÀNH NGHỊ ĐỊNH
Ngày 30/6/2011, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã thông qua Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sau đây viết gọn là Pháp lệnh). Pháp lệnh này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2011. Tại Điều 38 của Pháp lệnh quy định: "Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành các điều, khoản được giao trong Pháp lệnh này; hướng dẫn những nội dung cần thiết khác của Pháp lệnh này để đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước". Vì vậy, để Pháp lệnh sớm đi vào cuộc sống, có tính khả thi cao, Bộ Công an đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan xây dựng dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.
Việc ban hành Nghị định này cùng với các nghị định khác hướng dẫn thi hành Pháp lệnh là cơ sở pháp lý cần thiết đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ quản lý nhà nước về vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ trong sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đó cũng là yêu cầu của việc xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa, phục vụ đắc lực công cuộc đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phù hợp với chủ trương hội nhập quốc tế của Đảng và Nhà nước ta.
II. QUAN ĐIỂM CHỈ ĐẠO XÂY DỰNG NGHỊ ĐỊNH
Việc xây dựng dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ trên cơ sở các quan điểm chỉ đạo sau đây:
1. Thể chế hoá các quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước ta về tăng cường quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.
2. Bảo đảm sự phù hợp của Nghị định với Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; đồng thời, bảo đảm tính thống nhất của Nghị định này trong hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật.
3. Bảo đảm tính kế thừa những quy định còn phát huy tác dụng tốt của Nghị định số 47/CP ngày 12/8/1996 về quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ và các văn bản hướng dẫn thi hành; bảo đảm quản lý chặt chẽ vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ cũng như yêu cầu của quá trình huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và tăng cường sức mạnh chiến đấu của lực lượng vũ trang trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh và bảo vệ Tổ quốc.
4. Quy định cụ thể việc quản lý và sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn công tác, chiến đấu, góp phần bảo vệ an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự, an toàn xã hội.
III. QUÁ TRÌNH XÂY DỰNG DỰ THẢO NGHỊ ĐỊNH
1. Thực hiện Quyết định số 1785/QĐ-TTg ngày 14/10/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch triển khai thi hành Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, Bộ Công an đã thành lập Ban soạn thảo dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ gồm đại diện các cơ quan, đơn vị thuộc các Bộ: Công an, Tư pháp, Quốc phòng, Tài chính, Công thương và thành lập Tổ biên tập gồm cán bộ, chuyên viên của các Bộ, ngành liên quan. Bộ Công an đã tổng kết 15 năm thi hành Nghị định số 47/CP ngày 12/8/1996 về quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; tiến hành khảo sát thực tế, tổ chức hội thảo và lấy ý kiến tham gia của các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Công an các đơn vị, địa phương; gửi đăng dự thảo Nghị định trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Công an để lấy ý kiến rộng rãi của các tổ chức, cá nhân.
2. Trên cơ sở các ý kiến tham gia, Ban soạn thảo đã chỉnh lý lại dự thảo Nghị định và đã gửi Bộ Tư pháp thẩm định trước khi trình Chính phủ xem xét ban hành.
IV. BỐ CỤC VÀ NHỮNG NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA DỰ THẢO NGHỊ ĐỊNH
Dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ bao gồm 6 chương, 36 điều, cụ thể như sau:
Chương I. Những quy định chung gồm 7 điều (từ Điều 1 đến Điều 7), quy định về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, giải thích từ ngữ, các hành vi bị nghiêm cấm; đối tượng được phép mang vũ khí, công cụ hỗ trợ vào, ra khỏi lãnh thổ Việt Nam trong các trường hợp đặc biệt; số lượng, chủng loại vũ khí, công cụ hỗ trợ được phép mang vào, ra khỏi lãnh thổ Việt Nam trong các trường hợp đặc biệt; trách nhiệm của người được giao vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.
Chương II. Quản lý, sử dụng vũ khí gồm 9 điều (từ Điều 8 đến Điều 16), quy định về loại vũ khí quân dụng trang bị cho lực lượng Kiểm lâm, lực lượng chuyên trách chống buôn lậu của Hải quan, đơn vị Hải quan cửa khẩu, An ninh hàng không; quy định nổ súng khi thi hành nhiệm vụ độc lập; nhập khẩu vũ khí thể thao; phân loại vũ khí quân dụng, vũ khí thể thao; cơ sở, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an thực hiện nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, sửa chữa vũ khí; đối tượng được trang bị vũ khí thô sơ; sở hữu vũ khí thô sơ của cá nhân; thủ tục cấp giấy phép mua vũ khí thô sơ; quản lý vũ khí thô sơ.
Chương III. Quản lý, sử dụng vật liệu nổ quân dụng gồm 2 điều (từ Điều 17 đến Điều 18), quy định về đối tượng được phép sử dụng vật liệu nổ quân dụng; điều kiện bảo đảm an toàn trong nghiên cứu, chế tạo, bảo quản, sử dụng vật liệu nổ quân dụng.
Chương IV. Quản lý, sử dụng công cụ hỗ trợ gồm 9 điều (từ Điều 19 đến Điều 27), quy định về đối tượng được trang bị công cụ hỗ trợ; thủ tục cấp giấy phép mua công cụ hỗ trợ; thủ tục cấp giấy phép sử dụng công cụ hỗ trợ; thủ tục cấp giấy phép vận chuyển công cụ hỗ trợ; thủ tục sửa chữa công cụ hỗ trợ; thời hạn và nơi tiếp nhận hồ sơ cấp Giấy phép mua, sử dụng, vận chuyển, sửa chữa công cụ hỗ trợ; quản lý, sử dụng công cụ hỗ trợ; điều kiện của cơ sở, doanh nghiệp nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, sửa chữa công cụ hỗ trợ; điều kiện của cơ sở, doanh nghiệp nhập khẩu, xuất khẩu, kinh doanh công cụ hỗ trợ.
Chương V. Trách nhiệm quản lý nhà nước về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ gồm 5 điều (từ Điều 28 đến Điều 32), quy định trách nhiệm của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Công thương, các Bộ, ngành liên quan và Uỷ ban nhân dân các cấp trong quản lý nhà nước về vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.
Chương VI. Điều khoản thi hành gồm 3 điều (từ Điều 33 đến Điều 35), quy định về hiệu lực thi hành; điều khoản chuyển tiếp và trách nhiệm thi hành.
V. VỀ GIẢI TRÌNH, TIẾP THU Ý KIẾN THẨM ĐỊNH CỦA BỘ TƯ PHÁP
Ngày 22/12/2011, Bộ Tư pháp có Công văn số 7919/BTP-PLHSHC thẩm định dự thảo Nghị định này. Trong đó, Bộ Tư pháp nhất trí với sự cần thiết phải ban hành và những nội dung cơ bản của dự thảo Nghị định; bên cạnh đó, Bộ Tư pháp cũng đề nghị chỉnh lý một số nội dung cho chính xác và phù hợp hơn. Bộ Công an xin giải trình việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị định như sau:
1. Tiếp thu ý kiến của Bộ Tư pháp, Bộ Công an đã chỉnh lý các điều 4, 9, 10, 12, 30 dự thảo Nghị định cho phù hợp.
2. Về đề nghị quy định cụ thể cơ quan Công an có thẩm quyền đăng ký vũ khí thô sơ (Khoản 1 Điều 16 dự thảo Nghị định), Bộ Công an cho rằng, vũ khí thô sơ gồm rất nhiều loại và tương ứng với mỗi loại sẽ do các cơ quan Công an khác nhau tiến hành đăng ký. Để bảo đảm quy định cụ thể và rõ ràng, nội dung này sẽ được Bộ Công an quy định chi tiết trong Thông tư hướng dẫn thi hành Nghị định này. Vì vậy, Bộ Công an đề nghị giữ nguyên như dự thảo Nghị định.
Trên đây là nội dung cơ bản của dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, Bộ Công an đã trình Chính phủ xem xét, thông qua./.