Nội dung cơ bản của Luật Khí tượng thủy văn

Với 83% phiếu tán thành, ngày 23/11/2015, tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội nước Cộng hòa XHCN Việt Nam khóa XIII đã thông qua Luật Khí tượng thủy văn.

Trong suốt quá trình xây dựng và phát triển ngành khí tượng thủy văn, văn bản có giá trị pháp lý cao nhất điều chỉnh hoạt động khí tượng thủy văn đến trước khi ban hành Luật khí tượng thủy văn là Pháp lệnh khai thác và bảo vệ công trình khí tượng thủy văn, ban hành năm từ 1994.

Việt Nam thuộc khu vực nhiệt đới gió mùa có chế độ khí hậu, thủy văn rất phức tạp và đa dạng. Đặc biệt, Việt Nam là một trong số ít các nước được đánh giá là bị tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, thiên tai khí tượng thủy văn có xu hướng gia tăng về cả tần suất, cường độ. Vì vậy, lĩnh vực khí tượng thủy văn càng cần được tăng cường cả về thể chế quản lý và năng lực kỹ thuật, công nghệ để hoạt động hiệu quả hơn, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Về mặt đối ngoại, Việt Nam cũng là thành viên của Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) và tham gia các điều ước quốc tế khác liên quan đến khí tượng thuỷ văn, biến đổi khí hậu như Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu và Nghị định thư Kyoto, Công ước Viên về bảo vệ tầng ô zôn, Công ước chống sa mạc hóa.

Qua những phân tích trên cho thấy, việc ban hành Luật khí tượng thủy văn là hoàn toàn cần thiết. Vì vậy, ngày 23/11/2015, tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội nước Cộng hòa XHCN Việt Nam khóa XIII đã thông qua Luật Khí tượng thủy văn.

Luật Khí tượng thủy văn có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2016./.