Thông tư này quy định về thẩm quyền, trình tự đấu thầu mua sắm; cấp phát, thanh quyết toán vốn đầu tư, kinh phí mua sắm và kiểm tra, giám sát, theo dõi hoạt động đấu thầu mua sắm tài sản, hàng hóa trong Công an nhân dân gồm:
Tài sản đặc biệt; tài sản chuyên dùng; tài sản phục vụ công tác quản lý; vật tư, nguyên vật liệu đầu vào để sản xuất sản phẩm công ích phục vụ công tác Công an từ nguồn vốn ngân sách nhà nước; máy móc, trang thiết bị y tế; dịch vụ bảo trì, bảo dưỡng, sửa chữa, thuê đường truyền dẫn, kênh thông tin, dịch vụ tư vấn và các dịch vụ khác.
Đáng chú ý, tại Điều 8, Mục I của Chương II có quy định về thẩm quyền phê duyệt trong đấu thầu cụ thể là:
1. Bộ trưởng Bộ Công an phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu đối với:
a, Các dự án do Bộ trưởng Bộ Công an quyết định đầu tư;
b, Mua sắm từ nguồn kinh phí chương trình mục tiêu, dự trữ quốc gia, dự phòng chiến đấu; mua sắm quân trang, mua sắm cấp I từ nguồn kinh phí chi an ninh thường xuyên Bộ giao cho các Tổng cục, Bộ Tư lệnh và các đơn vị thực hiện; mua sắm tập trung cấp Bộ và mua sắm từ nguồn kinh phí khác do Bộ trưởng phê duyệt dự toán.
2. Thẩm quyền của thủ trưởng đơn vị mua sắm:
a, Phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu đối với gói thầu cần thực hiện trước khi có quyết định phê duyệt dự án; kế hoạch lựa chọn nhà thầu các dự án đầu tư, dự toán mua sắm được Bộ trưởng phân cấp quyết định đầu tư, phê duyệt dự toán (trừ quy định tại khoản 1 Điều này);
b, Phê duyệt hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, danh sách ngắn; hồ sơ mời thầu hoặc hồ sơ yêu cầu; danh sách nhà thầu đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật; danh sách xếp hạng nhà thầu; kết quả lựa chọn nhà thầu. Đối với gói thầu có giá trị trên 10 tỷ đồng hoặc gói thầu có yêu cầu đặc biệt (gói thầu mua sắm tài sản đặc biệt; mua sắm trong trường hợp cấp bách để đảm bảo an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội hoặc theo yêu cầu của lãnh đạo Bộ) thủ trưởng đơn vị mua sắm phải có văn bản báo cáo lãnh đạo Bộ phụ trách đơn vị trước khi phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu theo quy định;
c, Thành lập Tổ chuyên gia đấu thầu, giao cho đơn vị thuộc thẩm quyền có đủ năng lực làm Bên mời thầu. Trong trường hợp cần thiết, báo cáo cấp có thẩm quyền cho phép lựa chọn một đơn vị tư vấn hoặc đơn vị đấu thầu chuyên nghiệp để thay mình làm bên mời thầu hoặc thực hiện một số nhiệm vụ của Bên mời thầu nhưng phải bảo đảm yêu cầu bảo mật theo quy định;
d, Quyết định chọn đơn vị hoặc thành lập tổ chức có đủ năng lực và kinh nghiệm để thực hiện công tác thẩm định trong đấu thầu thuộc thẩm quyền phê duyệt;
đ, Trong trường hợp cần thiết, có thể ủy quyền cho cấp phó của mình thực hiện nhiệm vụ của thủ trưởng đơn vị mua sắm đối với toàn bộ dự án đầu tư, dự toán mua sắm hoặc từng gói thầu cụ thể.
Việc ủy quyền phải bằng văn bản, người được ủy quyền làm nhiệm vụ thủ trưởng đơn vị mua sắm không được tham gia thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu, hồ sơ mời thầu hoặc hồ sơ yêu cầu, kết quả lựa chọn nhà thầu; không được ủy quyền lại và chịu trách nhiệm về quyết định của mình trước pháp luật và trước thủ trưởng đơn vị mua sắm trong quá trình thực hiện mua sắm.
Bên cạnh đó, Tại Điều 11 của Thông tư này cũng quy định hình thức lựa chọn nhà thầu như sau:
1. Hình thức chỉ định thầu được áp dụng trong các trường hợp sau đây:
a, Các trường hợp quy định tại Điều 22 Luật Đấu thầu, theo hạn mức quy định tại Điều 54 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP;
b, Mua sắm tài sản đặc biệt mang tính chất bí mật nhà nước;
c, Mua sắm trang thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ mang tính chất bí mật nhà nước để lắp đặt, trang bị cho mục tiêu trọng điểm về an ninh, trật tự;
d, Mua sắm trong trường hợp cấp bách (cần thực hiện ngay để khắc phục kịp thời hậu quả gây ra sự cố bất khả kháng hoặc cần thực hiện ngay theo yêu cầu của lãnh đạo Bộ để bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội) mang tính chất bí mật nhà nước.
2. Hình thức đấu thầu hạn chế được áp dụng đối với gói thầu mua sắm tài sản đặc biệt (trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều này), tài sản chuyên dùng và máy móc, trang thiết bị y tế có yêu cầu cao về kỹ thuật hoặc kỹ thuật có tính đặc thù mà chỉ định có một số nhà thầu đáp ứng được yêu cầu của gói thầu.
3. Đối với gói thầu đủ điều kiện áp dụng hình thức chỉ định thầu nhưng vẫn có thể áp dụng được các hình thức lựa chọn nhà thầu khác quy định tại các điều 20, 21,23 và 24 Luật đấu thầu thì khuyến khích áp dụng các hình thức lựa chọn nhà thầu.
Tại Mục 2, Chương II của Thông tư này cũng quy định cụ thể về việc cấp phát, thanh toán, thẩm định, kiểm soát và quyết toán vốn đầu tư, kinh phí mua sắm…
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/02/2017 và thay thế Thông tư 62/2010/TT-BCA ngày 24/12/2010./.