Vào tháng 7/2022, trong Chiến dịch Golden Strike về phòng chống tội phạm buôn bán động vật hoang dã trái phép của INTERPOL, Hải quan Thái Lan sau khi kiểm tra hành lý của một phụ nữ người Ukraine tại Sân bay Suvarnabhumi, Bangkok đã tịch thu 116 cá thể rùa con được cất giấu trong hành lý của cô. Trong số 116 cá thể rùa bị tịch thu có rùa bánh kếp, rùa cạn và rùa khổng lồ Aldabra. Đây đều là các loài động vật được bảo vệ theo Công ước quốc tế về phòng chống buôn bán các loại động, thực vật hoang dã nguy cấp (Công ước CITES).
 |
 |
Hình ảnh về các cá thể rùa trong buổi bàn giao cho Cảnh sát Tanzania. |
|
|
Sau đó, đối tượng buôn lậu người Ukraine đã trốn thoát khỏi Thái Lan. Thông qua sự hợp tác chặt chẽ giữa lực lượng Cảnh sát các nước và Lệnh truy nã quốc tế của INTERPOL (Thông báo đỏ), đối tượng đã bị bắt tại Bulgaria vào tháng 3/2023 và bị dẫn độ đến Tanzania ba tháng sau đó.
Xác định được đối tượng buôn lậu người Ukraine thuộc một mạng lưới buôn bán động vật hoang dã lớn, INTERPOL đã hỗ trợ Cảnh sát các nước điều tra. Qua đó đã giúp Cảnh sát các nước tiến hành bắt giữ được 14 nghi phạm khác (từ các quốc gia bao gồm Ai Cập, Indonesia, Madagascar và Tanzania) có liên quan đến vụ án này.
Việc bàn giao những cá thể rùa cho Cảnh sát Tanzania cho thấy đây là giai đoạn cuối trong cuộc điều tra kéo dài hơn 02 năm về một đường dây buôn bán động vật hoang dã xuyên quốc gia.
Phát biểu về buổi bàn giao, Thiếu tướng Surapan Thaiprasert, Chỉ huy Phòng Đối ngoại của Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan cho biết: "Thời gian qua, Cảnh sát Thái Lan đã hợp tác chặt chẽ với INTERPOL và các đối tác Tanzania để xác minh, điều tra vụ án quan trọng này. Nhờ năng lực phát hiện mạnh mẽ của mình, Cảnh sát Thái Lan đã có thể bắt giữ kẻ buôn lậu và giải cứu các cá thể rùa. Việc chúng được trả về Tanzania thành công là minh chứng cho những nỗ lực trong quan hệ hợp tác quốc tế phòng chống tội phạm xuyên quốc gia của Cảnh sát Thái Lan".
Theo ông Ramadhan Hamisi Kingai, Giám đốc điều tra tội phạm tại Lực lượng cảnh sát Tanzania cho biết: “Từ việc bắt giữ nghi phạm cho đến việc tiếp nhận 116 cá thể rùa, những thành công này đã đạt được thông qua sự hợp tác chặt chẽ giữa lực lượng cảnh sát các nước và INTERPOL giữ vai trò điều phối quan trọng cho những hoạt động hợp tác này. Trong thời gian sắp tới, Tanzania cam kết sẽ xử lý nghiêm tội phạm buôn bán động vật hoang dã và tiếp tục hợp tác với các quốc gia khác để đảm bảo tội phạm sẽ bị bắt giữ, bị truy tố và chịu trách nhiệm hình sự theo đúng quy định của pháp luật”. Cơ quan thực thi pháp luật tại Tanzania sẽ cách ly và chăm sóc những con rùa còn sống trước khi đánh giá xem có đủ điều kiện để đưa chúng trở lại môi trường sống tự nhiên một cách an toàn hay không.
Theo đánh giá của ông Cyril Gout, Quyền Giám đốc điều hành Dịch vụ Cảnh sát INTERPOL thì: “Buôn bán động vật hoang dã là mối đe dọa toàn cầu nghiêm trọng, phá vỡ hệ sinh thái và gây hại cho cộng đồng, đồng thời cũng mang lại nguồn thu rất lớn cho các nhóm tội phạm có tổ chức. Vụ án là chứng minh cho quyết tâm của cơ quan thực thi pháp luật quốc tế trong việc bảo vệ các loài dễ bị tổn thương, ngăn chặn nạn buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp và đưa tội phạm ra trước công lý. INTERPOL đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy hành động phối hợp chống lại tội phạm về động vật hoang dã và sẽ tiếp tục hỗ trợ các quốc gia thành viên nhằm triệt phá các tổ chức buôn bán động vật hoang dã trên thế giới”.
Hoạt động hỗ trợ điều tra của INTERPOL đối với các quốc gia thành viên trong lĩnh vực buôn bán động vật hoang dã được hỗ trợ bởi nguồn tài trợ từ Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và các nhà tài trợ khác.