Lợi dụng nhu cầu cao của người Hàn Quốc ở nước ngoài mong muốn được xem các kênh truyền hình trong nước, một nhóm tội phạm đã đăng ký 40 tài khoản dịch vụ truyền hình cáp của Hàn Quốc. Sau đó phát lại bất hợp pháp 72 kênh truyền hình Hàn Quốc và quốc tế, trong đó có phát lại tại Indonesia. Nhóm tội phạm cũng cung cấp dịch vụ video theo yêu cầu (phân phối khoảng 110.000 tệp video) cho những người dùng đã kết nối với nền tảng của nhóm tội phạm thông qua các hộp TV, ứng dụng và trình duyệt web. Nhóm tội phạm đã cung cấp dịch vụ này trong gần 9 năm qua, gây thiệt hại ước tính hơn 16 tỷ Won (tương tương 1,23 triệu USD).
|
INTERPOL điều phối các hoạt động thực thi pháp luật chung giữa Hàn Quốc và Indonesia. |
Sau khi vụ việc được báo cáo với cơ quan thực thi pháp luật của Indonesia vào tháng 5/2023, INTERPOL đã hỗ trợ, điều phối các hoạt động thực thi pháp luật chung giữa Tổng cục Sở hữu trí tuệ Indonesia (DGIP); Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hàn Quốc (MCST) và Cơ quan Cảnh sát Quốc gia Hàn Quốc (KNPA) để điều tra toàn diện về vụ việc. Tính đến cuối tháng 10/2023, cơ quan thực thi pháp luật của Indonesia và Hàn Quốc đã bắt giữ được 03 đối tượng trong vụ việc; ngăn chặn nhóm đối tượng cung cấp dịch vụ truyền hình trực tuyến bất hợp pháp (IPTV).
|
Các đối tượng đã đăng ký 40 tài khoản dịch vụ truyền hình cáp của Hàn Quốc và phát lại nội dung tại Indonesia. |
Các hoạt động điều phối của INTERPOL nằm trong khuôn khổ Dự án phòng, chống vi phạm bản quyền trực tuyến của INTERPOL (I-SOP). Dự án I-SOP nhận được tài trợ từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hàn Quốc (MCST) để triển khai thực hiện trong 5 năm qua nhằm mục đích chống lại các tội phạm liên quan đến vi phạm quyền sở hữu trí tuệ như làm giả nhãn hiệu, vi phạm bản quyền.
Theo ông LIM Seonghwan, Tổng cục trưởng Cục Bản quyền, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hàn Quốc (MCST) thì “Hàn Quốc sẽ tiếp tục phối hợp với INTERPOL để mở rộng các cuộc điều tra quốc tế trong khuôn khổ Dự án I-SOP về phòng, chống các hành vi vi phạm bản quyền xảy ra ở nước ngoài. Hàn Quốc cũng có kế hoạch nâng cao năng lực điều tra kỹ thuật số, bao gồm cả pháp y kỹ thuật số.”
Hiện tại, các hành vi vi phạm bản quyền kỹ thuật số không chỉ ảnh hưởng đến các ngành công nghiệp sáng tạo như phim ảnh, truyền hình, âm nhạc và xuất bản mà còn ảnh hưởng cả đến nền kinh tế mỗi quốc gia. Việc tải về và phân phối bất hợp pháp các bộ phim, chương trình truyền hình,…sẽ gây ra những tổn thất về tài chính đáng kể cho các ngành liên quan, từ đó ảnh hưởng đến doanh thu thuế và việc làm tại mỗi quốc gia. Trong một số trường hợp có thể liên quan đến hoạt động bất hợp pháp khác, như tài trợ khủng bố, rửa tiền và buôn người.