Trong 6 tháng qua (từ tháng 7 đến tháng 12 năm 2023), INTERPOL đã điều phối thực hiện Chiến dịch HAECHI IV về phòng, chống tội phạm tài chính sử dụng công nghệ cao trên phạm vi toàn cầu. Chiến dịch HAECHI IV nhằm đấu tranh với 07 hành vi lừa đảo trên không gian mạng gồm: (1) Lừa đảo bằng giọng nói; (2) Lừa đảo tình cảm; (3) Tống tiền trực tuyến; (4) Lừa đảo đầu tư; (5) Rửa tiền liên quan đến đánh bạc trực tuyến bất hợp pháp; (6) Lừa đảo thông qua việc xâm nhập email của doanh nghiệp và (7) Gian lận thương mại trực tuyến.
Theo thống kê của INTERPOL, trong thời gian triển khai Chiến dịch HAECHI IV, cơ quan thực thi pháp luật của 34 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia chiến dịch đã thực hiện gần 3.500 vụ bắt giữ và tịch thu tài sản trị giá 300 triệu USD (khoảng 273 triệu EUR). Trong số đó, các vụ việc liên quan đến lừa đảo đầu tư, lừa đảo thông qua việc xâm nhập email của doanh nghiệp và gian lận thương mại trực tuyến chiếm 75% các vụ việc được điều tra trong Chiến dịch HAECHI IV.
|
Cảnh sát Hàn Quốc và Philippine phối hợp bắt giữ 01 đối tượng đánh bạc trực tuyến có Thông báo truy nã đỏ của Hàn Quốc tại Manila. |
Với sự điều phối của INTERPOL, cơ quan thực thi pháp luật các nước đã phối hợp chặt chẽ để phát hiện nhiều vụ gian lận trực tuyến; sử dụng công cụ I-GRIP của INTERPOL (Cơ chế dừng thanh toán nhanh toàn cầu) để phong tỏa 82.122 tài khoản ngân hàng đáng ngờ; tịch thu tổng cộng 199 triệu USD và 101 triệu USD tài sản ảo.
Cũng trong thời gian diễn ra Chiến dịch HAECHI IV, INTERPOL đã phối hợp với các nhà cung cấp dịch vụ tiền ảo (VASP) để hỗ trợ cơ quan thực thi pháp luật các nước xác định 367 tài khoản tài sản ảo có liên quan đến tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia. Hiện tại, Cảnh sát ở các nước thành viên đã phong tỏa những tài sản này và mở rộng điều tra.
|
Chiến dịch HAECHI IV đã phá mạng lưới đánh bạc trái phép thông qua việc bắt giữ một đối tượng được cho là đứng đầu mạng lưới đánh bạc. |
Cũng trong thời gian diễn ra Chiến dịch HAECHI IV, INTERPOL đã ban hành 02 Thông báo màu tím để cảnh báo cho các quốc gia về các hành vi gian lận kỹ thuật số mới nổi:
Thông báo tím thứ nhất: Cảnh báo các quốc gia thành viên về một hành vi lừa đảo mới được phát hiện ở Hàn Quốc liên quan đến việc bán Token không thể thay thế với hứa hẹn mang lại lợi nhuận khổng lồ. Nhưng thực chất đó là một hành vi lừa đảo ngày càng gia tăng trong ngành công nghiệp tiền điện tử. Sau khi thu hút được nhiều nhà đầu tư tham gia, các nhà phát triển đột ngột từ bỏ dự án. Việc này gây thiệt hại rất lớn cho các nhà đầu tư.
Thông báo màu tím thứ hai: Cảnh báo về việc sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và công nghệ deep fake để lừa đảo. Các đối tượng phạm tội che giấu danh tính và giả làm thành viên gia đình, bạn bè hoặc người yêu để lừa đảo. Các cơ quan thực thi pháp luật ở Anh đã báo cáo về một số vụ việc lừa đảo mà các đối tượng phạm tội đã sử dụng AI để lừa gạt, quấy rối và tống tiền các nạn nhân, đặc biệt là thông qua các hành vi lừa đảo mạo danh, tống tiền tình dục trực tuyến và gian lận đầu tư. Các vụ án còn liên quan đến việc mạo danh những người mà nạn nhân biết thông qua công nghệ nhân bản giọng nói.
Theo ông Stephen Kavanagh, Giám đốc điều hành Dịch vụ Cảnh sát của INTERPOL thì “Số vụ bắt giữ trong Chiến dịch HAECHI IV đã tăng 200% so với Chiến dịch HAECHI đã thực hiện trước đó cho thấy những thách thức dai dẳng mà tội phạm sử dụng công nghệ cao đã gây ra. Vì vậy, chúng ta phải luôn cảnh giác và cơ quan thực thi pháp luật của các quốc gia phải thường xuyên điều chỉnh các chiến lược phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao để đấu tranh hiệu quả với loại tội phạm này”.
Chiến dịch HAECHI do Hàn Quốc hỗ trợ tài chính, có 34 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia, bao gồm: Argentina, Úc, Brunei, Campuchia, Quần đảo Cayman, Ghana, Hồng Kông (Trung Quốc), Ấn Độ, Indonesia, Ireland, Nhật Bản, Kyrgyzstan, Lào, Liechtenstein, Malaysia, Maldives, Mauritius, Nigeria, Pakistan, Philippines, Ba Lan, Hàn Quốc, Romania, Seychelles, Singapore, Slovenia, Nam Phi, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Thái Lan, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Vương quốc Anh, Hoa Kỳ và Việt Nam.