Chiến dịch MAHARLIKA là một hoạt động nằm trong khuôn khổ Dự án nâng cao năng lực về phòng chống khủng bố tại khu vực Đông Nam Á của INTERPOL (Dự án CT-SEA) do Bộ Ngoại giao Nhật Bản tài trợ trong thời gian 12 tháng (từ tháng 3/2024 đến tháng 02/2025) nhằm nâng cao năng lực phòng, chống khủng bố, quản lý biên giới cho cán bộ thực thi pháp luật của 09 quốc gia thành viên khu vực Đông Nam Á gồm Brunei, Campuchia, Malaysia, Indonesia, Lào, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.
Mục đích của Chiến dịch nhằm tăng cường hợp tác, trao đổi thông tin về hoạt động của các đối tượng khủng bố xuyên quốc gia, các nhóm tội phạm có tổ chức trong khu vực Đông Nam Á, ngăn chặn sự dịch chuyển của các đối tượng giữa các quốc gia để hoạt động, góp phần bảo đảm an ninh biên giới.
Tại Việt Nam, Chiến dịch MAHARLIKA được triển khai từ 25/11 - 06/12/2024 với sự tham gia của các đơn vị: Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Bộ Công an, Cục An ninh nội địa, Bộ Công an, Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an, Tổng cục Hải quan - Bộ Tài chính, Cục Cửa khẩu - Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng - Bộ Quốc phòng. Chiến dịch được triển khai đồng thời tại 03 Cửa khẩu quốc tế đường bộ (Cầu Treo, Lao Bảo, Mộc Bài) và 05 Cảng hàng không sân bay quốc tế (Nội Bài, Đà Nẵng, Cam Ranh, Tân Sơn Nhất, Phú Quốc) có kết nối Cơ sở dữ liệu của INTERPOL. Hiện các cơ quan tham gia đang tiến hành báo cáo kết quả thực hiện Chiến dịch về Văn phòng Cơ quan CSĐT Bộ Công an.
Các hoạt động trong khuôn khổ Chiến dịch tại Việt Nam:
1. Cuộc họp chuẩn bị triển khai Chiến dịch (diễn ra từ ngày 18-22/11/2024 tại Hà Nội)
|
Cuộc họp chuẩn bị triển khai Chiến dịch. |
Tham dự Cuộc họp có 50 đại biểu đến từ Ban Tổng Thư ký INTERPOL, Ban Thư ký ASEANAPOL, các Cơ quan thực thi pháp luật của 08 quốc gia khu vực Đông Nam Á. Về phía Việt Nam có các đại biểu đến từ Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Cục An ninh nội địa, Tổng cục Hải quan - Bộ Tài chính, Cục Cửa khẩu - Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng - Bộ Quốc phòng và Văn phòng Cơ quan CSĐT Bộ Công an.
Tại Cuộc họp, các đại biểu đã tập trung thảo luận, xác định chiến lược quốc gia trong phòng, chống khủng bố, nêu các đề xuất để INTERPOL hỗ trợ trong quá trình triển khai Chiến dịch. Đồng thời, các đại biểu cũng được các chuyên gia từ INTERPOL hướng dẫn sử dụng các công cụ, dịch vụ của INTERPOL trong phòng, chống khủng bố; thực hành giải quyết các tình huống giả định để tăng cường sự hợp tác và khả năng tương tác giữa các cơ quan thực thi pháp luật khu vực, đảm bảo sẵn sàng ứng phó hiệu quả với các mối đe dọa an ninh khủng bố.
2. Cuộc họp triển khai Chiến dịch MAHARLIKA dành riêng cho Việt Nam (từ ngày 25-26/11/2024 tại Hà Nội)
|
Cuộc họp triển khai Chiến dịch dành riêng cho Việt Nam. |
Tham dự Cuộc họp có 25 đại biểu là các cán bộ trực tiếp khai thác và sử dụng hệ thống Cơ sở dữ liệu của INTERPOL tại 03 Cửa khẩu quốc tế đường bộ (Cầu Treo, Lao Bảo, Mộc Bài) và 05 Cảng hàng không sân bay quốc tế (Nội Bài, Đà Nẵng, Cam Ranh, Tân Sơn Nhất, Phú Quốc), cán bộ của Cục Quản lý xuất nhập cảnh và Văn phòng Cơ quan CSĐT Bộ Công an.
Tại Cuộc họp, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận về công tác triển khai Chiến dịch tại Việt Nam, nhất là quy trình kiểm tra, rà soát và xử lý khi phát hiện đối tượng khủng bố, đối tượng bị truy nã quốc tế hoặc sử dụng hộ chiếu bị mất, mất cắp; thực hành sử dụng thiết bị khai thác Cơ sở dữ liệu của INTERPOL khi triển khai Chiến dịch.
3. Tổ chức đoàn khảo sát các địa điểm triển khai Chiến dịch
Từ ngày 27-28/11/2024, Văn phòng Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã phối hợp với 03 chuyên gia INTERPOL tổ chức khảo sát tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất và Cửa khẩu quốc tế Mộc Bài.
Trong thời gian khảo sát, các chuyên gia INTERPOL đã trực tiếp hướng dẫn cho cán bộ làm công tác xuất, nhập cảnh sử dụng Cơ sở dữ liệu của INTERPOL; trao đổi về tình hình hoạt động của hệ thống kết nối cơ sở dữ liệu INTERPOL và tham quan thực tế khu vực làm thủ tục xuất, nhập cảnh tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, Cửa khẩu quốc tế Mộc Bài; quay phim tư liệu về một số hoạt động tại địa điểm triển khai Chiến dịch.
|
Khảo sát tại Cửa khẩu quốc tế Mộc Bài. |