Ngày 15/7/2024, một công ty có trụ sở tại Singapore nhận được một email có địa chỉ gần giống với địa chỉ email chính thức của một Công ty đối tác đề nghị gửi khoản thanh toán đến một tài khoản ngân hàng mới tại Đông Timor.
Do không phát hiện ra sự khác biệt giữa hai địa chỉ email, ngày 19/7/2024, công ty tại Singapore đã chuyển 42,3 triệu USD vào tài khoản giả mạo do những kẻ lừa đảo chỉ định. Chỉ sau khi phía Công ty đối tác thông báo chưa nhận được khoản thanh toán, Công ty tại Singapore mới phát hiện ra việc bị lừa đảo chuyển tiền.
Ngày 23/7/2024, khi nhận được báo cáo về vụ việc, Lực lượng Cảnh sát Singapore (SPF) đã nhanh chóng yêu cầu sự hỗ trợ từ các cơ quan chức năng Đông Timor thông qua Cơ chế can thiệp thanh toán nhanh toàn cầu của INTERPOL (INTERPOL Global Rapid Intervention of Payments, I-GRIP sử dụng mạng lưới cảnh sát của 196 quốc gia thành viên INTERPOL để đẩy nhanh các yêu cầu hỗ trợ phong tỏa, thu hồi tài sản trong các vụ án liên quan đến tội phạm tài chính trên phạm vi toàn cầu.
Ngày 25/7/2024, Trung tâm chống lừa đảo của Lực lượng Cảnh sát Singapore nhận được thông báo rằng 39 triệu USD đã bị phát hiện và bị phong tỏa trong tài khoản lừa đảo tại Đông Timor.
Sau đó, các cơ quan chức năng Đông Timor đã bắt giữ 07 nghi phạm liên quan đến vụ lừa đảo, thu hồi thêm hơn 2 triệu USD. Hiện tại, Cảnh sát Singapore đang tiếp tục phối hợp với Đông Timor hoàn thiện các thủ tục để trả lại số tiền bị lừa đảo cho Công ty bị lừa đảo tại Singapore.
Theo ông Isaac Oginni, Giám đốc Trung tâm phòng chống tham nhũng và tội phạm tài chính của INTERPOL (IFCACC) thì “Tốc độ là yếu tố quan trọng để hỗ trợ lực lượng cảnh sát, các đơn vị tình báo tài chính và các ngân hàng từ nhiều khu vực pháp lý hợp tác cùng phong tỏa tiền thu được từ các vụ lừa đảo trực tuyến. Vụ việc hợp tác giữa các cơ quan chức năng ở Singapore và Đông Timor lần này là chứng minh rõ ràng cho sự phối hợp hành động nhanh chóng thông qua INTERPOL có thể giúp thu hồi tiền bị lừa đảo và xác định các đối tượng lừa đảo”.
David Chew, Giám đốc Phòng Thương mại của SPF, cho biết: “Lừa đảo là mối đe dọa toàn cầu đòi hỏi phải có phản ứng toàn cầu từ cơ quan thực thi pháp luật. Chúng tôi đánh giá cao hành động nhanh chóng và quyết đoán của Trung tâm chống tham nhũng và tội phạm tài chính của INTERPOL, đơn vị đã đóng vai trò quan trọng trong việc phong tỏa và thu hồi hơn 40 triệu đô la Mỹ cho Công ty bị lừa đảo tại Singapore”.
Kể từ khi ra mắt vào năm 2022, cơ chế I-GRIP của INTERPOL đã giúp cơ quan thực thi pháp luật chặn được hàng trăm triệu đô la tiền bất hợp pháp. INTERPOL đang khuyến khích các doanh nghiệp và cá nhân thực hiện các bước phòng ngừa để tránh trở thành nạn nhân của các vụ lừa đảo xuyên quôc gia. Để biết thêm thông tin chi tiết, đề nghị truy cập trang web của INTERPOL: https://www.interpol.int/Crimes/Financial-crime.