Do thông tin của chị Nguyễn Kim Dung cung cấp chưa được đầy đủ, rõ ràng nên Bộ Công an không có căn cứ để hướng dẫn cụ thể. Tuy nhiên, chúng tôi nêu ra một số nội dung liên quan để chị tham khảo:
1. Điều kiện đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc Trung ương.
- Khoản 1 Điều 20 Luật Cư trú quy định: “Có chỗ ở hợp pháp, trường hợp đăng ký thường trú vào huyện, thị xã thuộc thành phố trực thuộc Trung ương thì phải có thời gian tạm trú tại thành phố đó từ một năm trở lên, trường hợp đăng ký thường trú vào quận thuộc Trung ương thì phải có thời gian tạm trú tại thành phố đó từ hai năm trở lên”.
- Khoản 1 Điều 5 Nghị định số 31/2014/NĐ- CP ngày 18/4/2014 của Chính phủ quy định: “Nơi cư trú của công dân là nơi thường trú hoặc tạm trú tại một chỗ ở hợp pháp và là nơi thường xuyên sinh sống”.
- Điểm c Khoản 1 Điều 8 Nghị định số 31/NĐ-CP ngày 18/4/2014 của Chính phủ quy định: “Nơi đề nghị được đăng ký thường trú phải là nơi đang tạm trú”.
2. Hồ sơ đăng ký thường trú:
- Tại Khoản 1 Điều 6 Thông tư số 35/2014/TT-BCA ngày 09/9/2014 của Bộ Công an quy định hồ sơ đăng ký thường trú, bao gồm:
+ Phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu;
+ Bản khai nhân khẩu (đối với trường hợp phải khai bản khai nhân khẩu);
+ Giấy chuyển hộ khẩu (đối với các trường hợp phải cấp giấy chuyển hộ khẩu quy định tại Khoản 2 Điều 28 Luật Cư trú);
+ Giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp quy định tại Điều 6 Nghị định số 31/NĐ-CP ngày 18/4/2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Cư trú. Trường hợp xin đăng ký thường trú vào thành phố trực thuộc Trung ương phải có thêm giấy tờ, tài liệu chứng minh thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 20 Luật Cư trú.
- Ngoài các giấy tờ, tài liệu nêu trên thì các trường hợp dưới đây phải có thêm giấy tờ sau:
+ Người Việt Nam định cư ở nước ngoài mang hộ chiếu nước ngoài, giấy tờ thay hộ chiếu do nước ngoài cấp còn giá trị hoặc không có hộ chiếu nhưng có giấy tờ thường trú do nước ngoài cấp nay trở về Việt Nam thường trú, khi đăng ký thường trú phải có giấy tờ hồi hương do cơ quan đại diện Việt Nam ở ngoài cấp (nếu người đó ở nước ngoài) hoặc văn bản đồng ý cho giải quyết thường trú của Cục Quản lý xuất, nhập cảnh (nếu người đó đang tạm trú ở trong nước), kèm theo giấy giới thiệu do Phòng Quản lý xuất, nhập cảnh nơi người đó xin thường trú cấp.
+ Người nước ngoài được nhập quốc tịch Việt Nam khi đăng ký thường trú phải có giấy tờ chứng minh có quốc tịch Việt Nam.
Đề nghị chị Nguyễn Kim Dung đến Công an quận, huyện nơi gia đình chị Dung đang ở tại thành phố Đà Nẵng để được hướng dẫn chi tiết về thủ tục đăng ký thường trú./.