Bộ Công an trả lời như sau:
Tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, sau khi được Quốc hội cho ý kiến, Bộ Công an đã phối hợp với Ủy ban pháp luật và các cơ quan liên quan giải trình, tiếp thu các ý kiến tham gia và hoàn thiện dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi). Ngày 13/11/2020, dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) đã được Quốc hội khóa XIV thông qua và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2021. Trong đó, Điều 2 giải thích từ ngữ cụ thể là: “Cư trú” là việc công dân sinh sống tại một địa điểm thuộc đơn vị hành chính cấp xã hoặc đơn vị hành chính cấp huyện ở nơi không có đơn vị hành chính cấp xã (sau đây gọi chung là đơn vị hành chính cấp xã); “Nơi thường trú” là nơi công dân sinh sống ổn định, lâu dài và đã được đăng ký thường trú.
Khái niệm về “Chủ hộ” và “Hộ gia đình” được quy định tại Điều 10 về quyền, nghĩa vụ của chủ hộ và thành viên hộ gia đình về nơi cư trú, trong đó:
- “Những người cùng ở tại một chỗ ở hợp pháp và có quan hệ gia đình là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, cha, mẹ, vợ, chồng, con và anh ruột, chị ruột, em ruột thì chỉ có thể đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú theo hộ gia đình”.
- “Chủ hộ” là những người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ do các thành viên hộ gia đình thống nhất đề cử; trường hợp hộ gia đình không có người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ thì chủ hộ là người được các thành viên hộ gia đình thống nhất đề cử; trường hợp các thành viên hộ gia đình không đề cử được thì chủ hộ là thành viên hộ gia đình do Tòa án quyết định. Trường hợp hộ gia đình chỉ có một người thì người đó đồng thời là chủ hộ.
Việc quy định liên quan đến chủ hộ, cư trú, nơi thường trú, hộ gia đình trong Luật Cư trú (sửa đổi) đã được Bộ Công an phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ, Ủy ban pháp luật của Quốc hội chỉnh lý cho phù hợp và trình Quốc hội thông qua. Đến nay, các nội dung này cơ bản thống nhất với cách hiểu của Bộ luật Dân sự và quy định của các luật có liên quan như Luật Xử lý vi phạm hành chính, Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Thi hành án hình sự...