Việc đào tạo trung cấp nghiệp vụ Công an cho Công an viên (lực lượng bán chuyên trách) ở cấp xã là để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác bảo đảm an ninh, trật tự ở cơ sở, không phải nguồn để bổ sung cho lực lượng chính quy. Đối với các xã được chuyển thành phường, lực lượng Công an chính quy sẽ thay thế lực lượng bán chuyên trách thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; số Công an viên công tác ở xã trước đó sẽ bố trí công việc khác (thuộc thẩm quyền của cấp ủy, chính quyền địa phương).
Điều 4 Nghị định số 103/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành một số điều của Luật Công an nhân dân, quy định tiêu chuẩn, điều kiện tuyển chọn công dân vào Công an nhân dân như sau:
"1. Tiêu chuẩn tuyển chọn:
a, Là công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
b, Bảo đảm tiêu chuẩn về chính trị của cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân có phẩm chất đạo đức, sức khỏe tốt; tự nguyện phục vụ trong Công an nhân dân theo chế độ chuyên nghiệp hoặc tuyển dụng;
c, Có trình độ chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ, năng khiếu phù hợp với công tác Công an.
2. Điều kiện tuyển chọn:
a, Công an nhân dân có nhu cầu;
b, Bảo đảm các tiêu chuẩn quy định tại Khoản 1 Điều này.
3. Bộ trưởng Bộ Công an quy định chi tiết Khoản 1 Điều này".
Căn cứ quy định của Chính phủ thì chỉ khi nào Công an các đơn vị, địa phương được Bộ trưởng Bộ Công an duyệt chỉ tiêu tuyển chọn công dân vào Công an nhân dân (tức là Công an dân dân có nhu cầu) và người dự tuyển theo chỉ tiêu đó đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định thì mới được xem xét, tuyển dụng.
Trường hợp anh Nguyễn Tấn Phát, chỉ với thông tin: “năm nay 26 tuổi, tham gia Công an xã được 5 năm, đã được đào tạo trung cấp Công an, xã nơi công tác đã được chuyển thành phường” thì chưa đủ căn cứ để trả lời có đủ điều kiện chuyển thành Công an chính chính quy hay không.