Hỏi đáp trực tuyến

Hỏi về việc quản lý cư trú bằng mã số định danh

Người gửi: Nguyễn Hồng Thanh
Tại dự thảo Luật Cư trú sửa đổi có quy định về việc thay đổi quản lý cư trú từ phương thức thủ công (quản lý bằng sổ hộ khẩu) sang phương thức quản lý dân cư bằng mã số định danh. Bộ Công an cho tôi hỏi:
 
- Việc chuyển phương thức quản lý cư trú bằng mã số định danh sẽ tạo thuận lợi gì cho người dân và cơ quan Nhà nước trong giao dịch hành chính?
 
- Nếu việc bỏ quản lý cư trú bằng sổ hộ khẩu đi vào thực tế thì những người dân đang có giao dịch hành chính bằng sổ hộ khẩu từ trước đó có được thực hiện tiếp tục đến khi hoàn thành giao dịch hay không? Nếu không được thì người dân sẽ giao dịch bằng cách nào?
 
- Khi bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú thì căn cứ vào đâu để chứng minh rằng công dân đã đăng ký thường trú, tạm trú tại tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương mỗi khi khai thông tin trong các giao dịch hành chính như: tuyển sinh, ngân hàng, bảo hiểm, đăng ký kết hôn…?
Ngày hỏi: 04/11/2020 Lượt xem: 12896

Câu trả lời

1. Việc chuyển phương thức quản lý cư trú bằng mã số định danh sẽ tạo thuận lợi gì cho người dân và cơ quan Nhà nước trong giao dịch hành chính?
 
Việc thay thế phương thức quản lý dân cư thông qua sổ hộ khẩu, sổ tạm trú bằng phương thức quản lý theo số định danh cá nhân, cập nhật thông tin trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú sẽ bảo đảm chủ trương đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm giấy tờ công dân, giảm những chi phí mà hiện nay người dân, doanh nghiệp đang phải chi trả trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính. Việc thay đổi hình thức quản lý này sẽ giúp không chỉ đơn giản hóa thủ tục, giấy tờ, tiết kiệm chi phí hành chính cho công dân mà còn góp phần bảo đảm quản lý công dân chặt chẽ, thực chất, khắc phục nhiều bất cập trong quản lý dân cư ở nước ta hiện nay. Khi công dân làm các thủ tục hành chính có liên quan sẽ không cần xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú mà sẽ được khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thông qua mã số định danh cá nhân. Góp phần từng bước hình thành hệ thống pháp luật theo hướng ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hành chính; đồng thời, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật quy định về các vấn đề có liên quan đến thông tin, giấy tờ công dân khi giải quyết các thủ tục hành chính thuộc các lĩnh vực quản lý của các bộ, ngành theo hướng thông tin của công dân sẽ được cập nhật, khai thác trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Việc tra cứu thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư khi giải quyết các thủ tục hành chính sẽ thay thế cho việc phải xuất trình hoặc nộp bản sao có chứng thực các giấy tờ công dân khi thực hiện thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian xử lý, giảm chi phí và thời gian đi lại của nhân dân, nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân.
 
2. Việc bỏ quản lý cư trú bằng sổ hộ khẩu đi vào thực tế thì những người dân đang có giao dịch hành chính bằng sổ hộ khẩu từ trước đó có được thực hiện tiếp tục đến khi hoàn thành giao dịch hay không? Nếu không được thì người dân sẽ giao dịch bằng cách nào?
 
Để chuẩn bị cho phương án về việc bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú, lãnh đạo Bộ Công an đã chỉ đạo rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến sổ hộ khẩu, sổ tạm trú để đề xuất sửa đổi, bổ sung bảo đảm thống nhất, đồng bộ. Đồng thời, tại dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) cũng sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của các luật có liên quan đến quản lý cư trú (Luật Lý lịch tư pháp, Luật Bảo hiểm y tế…). Bên cạnh đó, tại dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) đã quy định “Chính phủ, bộ, cơ quan ngang bộ và cơ quan khác có liên quan rà soát các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành có nội dung quy định liên quan đến sổ hộ khẩu, sổ tạm trú, hạn chế các thủ tục hành chính có yêu cầu xuất trình giấy tờ xác nhận về cư trú, hạn chế các thủ tục hành chính có yêu cầu xuất trình giấy tờ xác nhận về cư trú để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với quy định của Luật này”.
 
Khi Cơ sở dữ liệu quốc gia đi vào vận hành hoạt động và được kết nối, chia sẻ, khai thác sử dụng chung thì công dân được sử dụng số định danh cá nhân để xác định thông tin nhân thân, thông tin về nơi cư trú; cơ quan Nhà nước không được yêu cầu người dân phải nộp thêm giấy tờ xác nhận về cư trú khi thực hiện các thủ tục hành chính.
 
3.  Khi bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú thì căn cứ vào đâu để chứng minh rằng công dân đã đăng ký thường trú, tạm trú tại tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương mỗi khi khai thông tin trong các giao dịch hành chính như: tuyển sinh, ngân hàng, bảo hiểm, đăng ký kết hôn…?
 
Bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú khi công dân làm các thủ tục hành chính có liên quan sẽ được khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thông qua mã số định danh cá nhân. Công dân được sử dụng số định danh để xác định thông tin nhân thân, thông tin về nơi cư trú. Khi tham gia các giao dịch thì công dân có thể xuất trình Căn cước công dân (có thông tin về số định danh cá nhân) để cơ quan, tổ chức có liên quan có trách nhiệm kiểm tra, đối chiếu thông tin về nơi cư trú của công dân đã cung cấp với thông tin có trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, không bắt buộc công dân phải xuất trình giấy tờ xác nhận về cư trú. Bên cạnh đó, khi triển khai xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Bộ Công an sẽ nghiên cứu để có nhiều hình thức khai thác, sử dụng thông tin trong Cơ sở dữ liệu bảo đảm tính thông suốt, liên tục và dễ tiếp cận, dễ dử dụng, tạo thuận lợi tối đa cho công dân.
Người trả lời: Bộ Công an