Hỏi đáp trực tuyến

Khi ô tô bị lao xuống vùng nước sâu thì cần những kỹ năng gì để thoát nạn?

Người gửi: Võ Thanh Hoàn

Hiện nay, các trung tâm dạy lái xe ô tô chưa chú trọng đến việc dạy các kỹ năng xử lý khi gặp các sự cố, tai nạn xảy ra trên đường, Bộ Công an cho tôi hỏi, trong trường hợp điều khiển ô tô không may mà bị lao xuống vùng nước sâu thì cần có những kỹ năng gì để thoát nạn? 

Ngày hỏi: 17/09/2021 Lượt xem: 6761

Câu trả lời

Đây là tình huống xảy ra khi các phương tiện giao thông gặp sự cố lao xuống ao, sông, hồ,… và phương tiện dần bị chìm xuống (Hình  32). Nếu người đang ở trong các phương tiện tai nạn không kịp xử lý hoặc không có các thao tác đúng thì rất có thể họ sẽ bị nguy hiểm đến tính mạng.


Khi gặp tình huống sự cố này, để thoát nạn an toàn, chúng ta cần chú ý thực hiện một số thao tác cơ bản sau:

- Khi xe đang lao xuống nước, mọi người hãy cố bình tĩnh, sử dụng hai tay ôm chặt hai vai, đầu cúi xuống, hơi co tròn cơ thể nhằm hạn chế tối đa trấn thương do va đập khi xe va chạm với mặt nước (nếu là lái xe thì ôm chặt vô lăng). Sau khi xe ổn định thì nhanh chóng bấm khóa (lẫy) tháo dây an toàn (Hình 33).


- Sau khi lao xuống nước, thường xe không bị chìm ngay (chỉ chìm sau khoảng thời gian từ 30 giây đến 2 phút). Đồng thời, hệ thống điện có thể đảm bảo cho một số bộ phận trên xe hoạt động trong khoảng 2-3 phút. Trong thời điểm này, mọi người trong xe cần nhanh chóng bấm nút hạ cửa kính (do hệ thống điện trong các xe vẫn có thể đảm bảo cho kính hạ xuống) hoặc sử dụng tay quay hạ cửa kính; khi cửa kính đã được mở, mọi người trong xe nhanh chóng thoát ra ngoài thông qua cửa đã mở và bơi vào bờ (Hình 34).


Lưu ý: Khi ô tô mới lao xuống nước, mọi người không nên cố mở cửa xe, vì lúc này rất khó mở do áp lực nước từ ngoài tác động lên cánh cửa xe rất lớn. Mặt khác, nếu mở được cửa xe thì nước sẽ tràn vào nhanh hơn, dẫn đến xe sẽ chìm nhanh, khi đó cơ hội thoát nạn cho những người còn lại trong xe sẽ ít đi. Chính vì vậy, phương án tối ưu khi xe chưa bị chìm là hãy cố gắng bình tĩnh để thoát ra ngoài thông qua các cửa sổ kính như hướng dẫn ở trên.

- Trong trường hợp các cửa kính bị kẹt và không thể hạ xuống được thì hãy bằng mọi cách phá vỡ cửa kính nếu có thể (Hình 35) (dùng búa phá kính, sử dụng giày gót nhọn, tuốc-nơ-vít, hoặc đạp bằng chân…). Lưu ý, khi phá cửa kính nên tác động vào một điểm ở góc cửa thì kính sẽ dễ bị phá hơn. Không nên phá kính chắn gió phía trước xe vì đây là loại kính có cấu tạo rất chắc chắn nên rất khó phá, đồng thời khi cửa kính này bị phá, nước sẽ tràn vào mạnh hơn và làm xe chìm nhanh hơn.


- Trong trường hợp xe chìm nhanh, người trong xe không thể hạ được cửa kính thì thật bình tĩnh và đợi cho đến khi nước tràn vào trong khoang xe và ngập đến ngang ngực người ngồi (trong khoảng thời gian chờ đợi hãy cởi bỏ những vật nặng, quần áo nặng, giầy dép…). Khi đó, áp lực phía trong xe và bên ngoài đã khá cân bằng, lúc này mọi người hãy mở cửa xe phía gần nhất và thoát ra ngoài (Hình 36).


- Nếu trong xe có trẻ nhỏ, hãy trấn an tinh thần của bé để bé không khóc hoặc la hét, khi nước ngập đến ngực, bạn hãy nói với bé cùng hít sâu, ngậm miệng và nín thở (có thể dùng hai ngón tay bóp vào cánh mũi của trẻ em). Ngay sau đó, bạn mở cánh cửa xe và đưa bé thoát ra ngoài rồi ngoi lên mặt nước.

- Khi ngoi lên mặt nước, bạn hãy bằng mọi cách kêu cứu, ra ký hiệu để mọi người đến hỗ trợ. Nếu bạn biết bơi thì chủ động giúp đỡ những người khác không biết bơi để cùng vào bờ an toàn.

Người trả lời: Bộ Công an