Hỏi đáp trực tuyến

Không cứu giúp người bị tai nạn giao thông khi có yêu cầu sẽ bị xử lý như thế nào?

Người gửi: Hoàng Trung Kiên

Vừa qua, dư luận rất bức xúc vì vụ việc hai vợ chồng giúp đỡ người gặp tai nạn giao thông ở Vân Đồn, Quảng Ninh nhưng lại bị tố cáo là người gây tai nạn. Về việc này, Bộ Công an cho tôi hỏi một số nội dung sau:

- Nếu sau khi giúp đỡ người gặp tai nạn giao thông nhưng lại bị tố cáo là người gây tai nạn thì bản thân người giúp đỡ phải làm gì? Cơ quan Công an có giải pháp gì để tránh xảy ra oan sai trong các vụ việc như thế này?

- Trường hợp nhìn thấy người bị tai nạn giao thông mà không cứu giúp thì theo quy định sẽ bị xử lý như thế nào?

Ngày hỏi: 21/08/2022 Lượt xem: 6315

Câu trả lời

- Về nội dung hỏi “Nếu sau khi giúp đỡ người gặp tai nạn giao thông nhưng lại bị tố cáo là người gây tai nạn thì bản thân người giúp đỡ phải làm gì? Cơ quan Công an có giải pháp gì để tránh xảy oan sai trong các vụ việc như thế này? ”

Điều 38 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định về trách nhiệm của cá nhân, cơ quan, tổ chức khi xảy ra tai nạn giao thông như sau:

“(1) Người điều khiển phương tiện và những người liên quan trực tiếp đến vụ tai nạn có trách nhiệm sau đây: a) Dừng ngay phương tiện; giữ nguyên hiện trường; cấp cứu người bị nạn và phải có mặt khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu; b) Ở lại nơi xảy ra tai nạn cho đến khi người của cơ quan Công an đến, trừ trường hợp người điều khiển phương tiện cũng bị thương phải đưa đi cấp cứu hoặc phải đưa người bị nạn đi cấp cứu hoặc vì lý do bị đe dọa đến tính mạng, nhưng phải đến trình bảo ngay với cơ quan Công an nơi gần nhất; c) Cung cấp thông tin xác thực về vụ tai nạn cho cơ quan có thẩm quyền.

(2) Những người có mặt tại nơi xảy ra vụ tai nạn có trách nhiệm sau đây: a) Bảo vệ hiện trường; b) Giúp đỡ, cứu chữa kịp thời người bị nạn; c) Báo tin ngay cho cơ quan Công an, y tế hoặc Ủy ban nhân dân nơi gần nhất; d) Bảo vệ tài sản của người bị nạn; đ) Cung cấp thông tin xác thực về vụ tai nạn theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.

(3) Người điều khiển phương tiện khác khi đi qua nơi xảy ra vụ tai nạn có trách nhiệm chở người bị nạn đi cấp cứu. Các xe được quyền ưu tiên, xe chở người được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ ngoại giao, lãnh sự không bắt buộc thực hiện quy định tại khoản này.

(4) Cơ quan Công an khi nhận được tin về vụ tai nạn có trách nhiệm cử người tới ngay hiện trường để điều tra vụ tai nạn, phối hợp với cơ quan quản lý đường bộ và Ủy ban nhân dân địa phương bảo đảm giao thông thông suốt, an toàn..."

Như vậy, căn cứ quy định trên, người điều khiển phương tiện và những người liên quan trực tiếp đến vụ tai nạn hoặc người có mặt tại nơi xảy ra vụ tai nạn giao thông phải báo ngay thông tin vụ tai nạn giao thông cho cơ quan Công an, cơ quan Y tế hoặc Uỷ ban nhân dân nơi gần nhất, đồng thời có trách nhiệm phối hợp cung cấp thông tin xác thực về vụ tai nạn giao thông cho cơ quan có thẩm quyền (cơ quan Công an thụ lý, điều tra giải quyết vụ tai nạn giao thông. Cơ quan Công an khi nhận được tin về vụ tai nạn có trách nhiệm cử người tới ngay hiện trường để điều tra vụ tai nạn.

Việc điều tra, giải quyết tai nạn giao thông của cơ quan Công an được tiến hành theo quy định của pháp luật, quy định của Bộ Công an về công tác điều tra, giải quyết tai nạn giao thông. Trong quá trình điều tra, xác minh, giải quyết vụ tai nạn giao thông mà phát hiện người có hành vi vu khống cho người khác với mục đích xấu thì căn cứ vào mức độ gây hậu quả của hành vi vi phạm để tiến hành xử lý theo quy định của pháp luật.

- Về nội dung hỏi “Trường hợp nhìn thấy người bị tai nạn giao thông mà không cứu giúp thì theo quy định sẽ bị xử lý như thế nào?”

Khoản 18 Điều 8 và Điều 38 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định về việc cứu giúp người bị tai nạn giao thông. Căn cứ cụ thể vào mức độ gây ra thiệt hại của hành vi vi phạm cứu giúp người bị tai nạn giao thông để tiến hành xử lý như sau:

+ Phạt tiền từ 500 nghìn đến 1 triệu đồng đối với cá nhân, từ 1-2 triệu đồng đối với tổ chức không cứu giúp người bị tai nạn giao thông khi có yêu cầu (điểm a khoản 7 Điều 11 Nghị định 100/2019/NĐ-CP).

+ Việc không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng còn có thể bị xử lý theo pháp luật hình sự (Điều 132 Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định về Tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng).

Người trả lời: Bộ Công an