Hỏi đáp trực tuyến

Kiến nghị về một số quy định liên quan đến các chế tài xử lý tội phạm mua bán người và người vị thành niên phạm tội

Người gửi: Cử tri tỉnh Bạc Liêu

1. Ở địa bàn nông thôn đã xuất hiện và đang diễn ra tình trạng nhóm đối tượng lừa đảo bán người ra nước ngoài. Đề nghị trình Quốc hội bổ sung quy phạm pháp luật trong dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) để điều chỉnh, xử lý các hành vi lừa đảo bán người ra nước ngoài theo hướng nghiêm khắc hơn: Cụ thể là, đối với trường hợp phạm tội trong nước, đề nghị thiết kế khung hình phạt là tử hình; đối với trường hợp người Việt Nam ở nước ngoài thì hình phạt là không cho nhập cảnh vào Việt Nam; đối với người nước ngoài phạm tội ở Việt Nam thì phối hợp với quốc gia mà người nước ngoài đó có quốc tịch để xử lý, trong đó có biện pháp chế tài là trục xuất, không cho tái nhập cảnh vào Việt Nam.

2. Tình trạng người vị thành niên phạm tội ngày càng tăng, có xu hướng “trẻ hóa tội phạm”, với nhiều hành vi, thủ đoạn phạm tội tinh vi, gây bức xúc, hoang mang trong dư luận và người dân. Đề nghị tiếp tục quan tâm, hoàn thiện các chính sách, hệ thống pháp luật đối với người vị thành niên phạm tội theo hướng tăng nặng trách nhiệm hình sự, thiết kế khung hình phạt nghiêm khắc hơn để có đủ sức răn đe, cảnh tỉnh, phòng ngừa chung nhằm làm giảm tình trạng này.

 

Ngày hỏi: 16/04/2025 Lượt xem: 152

Câu trả lời

Về nội dung này, Bộ Công an trả lời như sau:

1. Về sửa đổi, bổ sung các chế tài xử lý trong Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi)

Đối với tội phạm liên quan đến mua bán người, hiện nay, theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) mức hình phạt áp dụng đối với tội mua bán người (Điều 150) có khung hình phạt cao nhất là phạt tù 20 năm; tội mua bán người dưới 16 tuổi (Điều 151) có khung hình phạt cao nhất là tù chung thân. Như vậy, hình phạt đối với tội phạm mua bán theo quy định của Bộ luật Hình sự đã đảm bảo tính nghiêm khắc để răn đe đối với loại tội phạm này.

Tại Điều 37, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) đã quy định “Trục xuất là buộc người nước ngoài bị kết án phải rời khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Trục xuất được Tòa án áp dụng là hình phạt chính hoặc hình phạt bổ sung trong từng trường hợp cụ thể” và Điều 5 Nghị định số 142/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ quy định về đối tượng áp dụng hình thức xử phạt trục xuất là người nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính tại Việt Nam.

Đối với trường hợp người Việt Nam ở nước ngoài thì hình phạt là không cho nhập cảnh vào Việt Nam: Thời gian qua, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm chỉ đạo Bộ Ngoại giao phối hợp Bộ Công an và các bộ, ngành có liên quan triển khai kịp thời các biện pháp bảo hộ công dân Việt Nam phạm tội tại nước ngoài.

Ngày 28/11/2024, Quốc hội khóa XV thông qua Luật Phòng, chống mua bán người sửa đổi, trong đó bổ sung khái niệm về mua bán người và các hành vi bị nghiêm cấm, bảo đảm phù hợp với các điều ước quốc tế, thống nhất với hệ thống pháp luật trong nước, đáp ứng yêu cầu trong công tác phòng, chống mua bán người trong tình hình mới. Do đó, Bộ Công an đề nghị và mong muốn cử tri, nhân dân tiếp tục quan tâm phối hợp triển khai thực hiện Luật trên và tích cực tham gia phòng ngừa, đấu tranh, tố giác tội phạm, vi phạm pháp luật; đồng thời, tiếp tục có phản hồi, đóng góp ý kiến nâng cao chất lượng, hiệu quả các giải pháp phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm này thời gian tới.

2. Về sửa đổi, bổ sung các chế tài xử lý đối với người dưới 18 tuổi phạm tội

Tại Điều 12 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định về tuổi chịu trách nhiệm hình sự thì người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, trừ những tội phạm mà Bộ luật này có quy định khác; trong khi đó người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một trong các điều 123, 134, 141, 142, 143, 144, 150, 151, 168, 169, 170, 171, 173, 178, 248, 249, 250, 251, 252, 265, 266, 286, 287, 289, 290, 299, 303 và Điều 304 của Bộ luật này. Như vậy, nếu người chưa thành niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi thực hiện các hành vi giết người, cướp tài sản, mua bán trái phép chất ma túy hoặc trẻ em từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi thực hiện các hành vi phạm tội giết người, cướp tài sản, mua bán trái phép chất ma túy với tính chất của hành vi là rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng thì sẽ bị coi là tội phạm và sẽ bị xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.

Công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật phục vụ phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm nói chung, tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến trẻ em, người dưới 18 tuổi là một trong những nội dung, giải pháp quan trọng luôn được Đảng, Nhà nước, Bộ Công an và các bộ, ngành có liên quan quan tâm chỉ đạo, thực hiện thường xuyên. Để hoàn thiện hệ thống các quy định pháp luật liên quan đến trẻ em, người chưa thành niên; tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Tư pháp người chưa thành niên, trong đó quy định về xử lý chuyển hướng, hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội, thủ tục tố tụng đối với người chưa thành niên là người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị buộc tội, bị hại, người làm chứng, thi hành án phạt tù, tái hòa nhập cộng đồng đối với người chưa thành niên; nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân, gia đình trong hoạt động tư pháp người chưa thành niên.

Do đó, Bộ Công an đề nghị và mong muốn cử tri, nhân dân tiếp tục quan tâm phối hợp triển khai thực hiện Luật trên và tích cực tham gia phòng ngừa, đấu tranh, tố giác tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến người dưới 18 tuổi phạm tội; đồng thời, tiếp tục có phản hồi, đóng góp ý kiến nâng cao chất lượng, hiệu quả các giải pháp phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm này thời gian tới.

Người trả lời: Bộ Công an