Bộ Công an xin trả lời, như sau:
Năm 2017, phát hiện 446 vụ hiếp dâm trẻ em, tăng 5,19%, 08 vụ cưỡng dâm trẻ em, tăng 14,29% so với năm 2016… Nạn nhân bị xâm hại tình dục chủ yếu là các bé gái (chiếm trên 80%); đối tượng xâm hại phần lớn chưa có tiền án, tiền sự, thường có mối quan hệ quen thân với nạn nhân. Vừa qua, xảy ra một số vụ xâm hại tình dục trẻ em gây bức xúc dư luận xã hội. Bên cạnh đó, việc đưa tin bài của các phương tiện thông tin đại chúng về các vụ xâm hại tình dục trẻ em “đẩy nóng” sự việc, từ đó làm cho nạn nhân và gia đình bị tổn thương trong thời gian dài, có vụ do hướng xử lý ban đầu không hợp lý, khiến cho dư luận đặt ra nghi vấn đối với các cơ quan xử lý.
Nguyên nhân của tình hình trên là do:
(1) Việc tiếp nhận, phân loại, xử lý tin báo tố giác về tội phạm xâm hại tình dục trẻ em còn chưa kịp thời, công tác thống kê, tổng hợp kết quả xử lý tin báo tố giác tội phạm còn bất cập; kỹ năng tiếp nhận, thu thập xử lý thông tin, tài liệu tội phạm xâm hại tình dục trẻ em còn hạn chế.
(2) Việc tố cáo, trình báo tội phạm xâm hại tình dục trẻ em thường chậm nên công tác khám nghiệm hiện trường, thu thập dấu vết, củng cố chứng cứ gặp nhiều khó khăn, nhiều trường hợp không khắc phục được, ảnh hưởng tới kết quả điều tra, xử lý tội phạm.
(3) Xâm hại tình dục trẻ em là vụ việc có tính nhạy cảm nên nạn nhân và người thân thường giấu kín, không tố giác, có trường hợp đối tượng thực hiện hành vi nhiều lần, trong thời gian dài mới bị phát hiện, có trường hợp nạn nhân và gia đình thiếu hợp tác với Cơ quan điều tra trong việc cung cấp chứng cứ, xử lý tội phạm.
(4) Hầu hết các vụ án xâm hại tình dục trẻ em không có nhân chứng trực tiếp, trẻ em bị xâm hại tình dục còn nhỏ tuổi, năng lực nhận biết còn hạn chế, tâm lý dễ bị tác động, hoảng loạn về tinh thần nên khai báo chưa chính xác. Một số vụ nạn nhân thường khai báo không thống nhất, khai báo theo sự hướng dẫn của cha mẹ, người thân… nên gây khó khăn cho công tác điều tra.
(5) Việc đánh giá tài liệu, chứng cứ giữa các cơ quan tiến hành tố tụng nhiều khi chưa thống nhất dẫn đến vụ việc kéo dài hoặc không được xử lý.
Để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn kịp thời, xử lý nghiêm minh đối với hành vi xâm hại tình dục trẻ em, Bộ Công an tiếp tục chỉ đạo tập trung thực hiện các công tác trọng tâm sau:
(1) Chủ động tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến và giáo dục nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật trong nhân dân và phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em.
(2) Đẩy mạnh thực hiện chuyên đề đấu tranh với tội phạm xâm hại tình dục trẻ em. Chấn chỉnh, nâng cao hiệu quả công tác tiếp nhận, xử lý tin báo tố giác tội phạm về bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em. Thiết lập đường dây nóng, điện thoại, email, hộp thư tố giác tội phạm tại nơi công cộng, nơi có nguy cơ xảy ra các vụ án, vụ việc xâm hại tình dục trẻ em, tăng cường vận động quần chúng nhân dân kịp thời tố giác tội phạm. Phối hợp chặt chẽ với Viện kiểm sát, Tòa án đưa ra xét xử các vụ án xâm hại tình dục trẻ em để nâng cao tính răn đe và phòng ngừa tội phạm.
(3) Tổ chức hướng dẫn, đào tạo cho lực lượng trực tiếp đấu tranh, phòng chống tội phạm xâm hại tình dục trẻ em. Trong đó, tập trung vào hướng dẫn và tổ chức thực hiện nguyên tắc bảo đảm thực hiện quyền trẻ em, yêu cầu và biện pháp bảo vệ trẻ em trong quá trình tố tụng, xử lý vi phạm hành chính đối với trẻ em vi phạm pháp luật, trẻ em là người bị hại, người làm chứng; đào tạo, bồi dưỡng nội dung về quyền trẻ em, về tâm lý học, khoa học giáo dục cho điều tra viên giải quyết các vụ án có liên quan đến trẻ em. Khẩn trương xây dựng quy trình điều tra đặc biệt đối với các vụ án dâm ô trẻ em để thống nhất tổ chức thực hiện.
(4) Phối hợp chặt chẽ với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Trung ương Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, cơ quan bảo vệ pháp luật và các cơ quan chức năng tổ chức thực hiện những biện pháp thiết thực, hiệu quả trong phòng ngừa, ngăn chặn xâm hại tình dục trẻ em, tội phạm liên quan đến trẻ em… Tổ chức các diễn đàn, hội thảo, tọa đàm… tại các câu lạc bộ, nhà văn hóa, nhà trường, nơi công cộng, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng hướng dẫn các kỹ năng phòng ngừa, xử lý các vụ bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em; phát hiện, tố cáo các hành vi xâm hại tình dục trẻ em…
(5) Chủ động phối hợp, nghiên cứu, rà soát, đề xuất sửa đổi các quy định của pháp luật liên quan đến phòng ngừa, đấu tranh, xử lý tội phạm bạo hành, xâm hại tình dục trẻ em.