Bộ Công an xin trả lời như sau:
Sau hơn 17 năm thi hành Luật Phòng, chống ma túy năm 2000 (sửa đổi, bổ sung năm 2008) đã bộc lộ nhiều bất cập, ảnh hưởng lớn đến hiệu quả của công tác phòng, chống ma túy. Hiện nay, Bộ Công an được Chính phủ giao chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành chức năng tiến hành tổng kết việc thi hành Luật Phòng, chống ma túy và nghiên cứu đề xuất Quốc hội sửa đổi Luật này.
Đối với việc khai báo tình trạng nghiện của bản thân hoặc của người thân trong gia đình là trách nhiệm của mỗi cá nhân đã được quy định cụ thể trong Luật Phòng, chống ma túy. Do nhiều nguyên nhân khác nhau, nhất là việc xã hội còn tư tưởng kỳ thị với người nghiện ma túy… nên người nghiện ma túy và gia đình người nghiện không muốn khai báo tình trạng nghiện. Tuy nhiên, hiện nay chưa có chế tài xử lý cụ thể đối với các trường hợp không tự nguyện khai báo. Đối với trường hợp không tự nguyện khai báo và không tự nguyện đăng ký cai nghiện ma túy tại gia đình hoặc cộng đồng thì cơ quan chức năng áp dụng biện pháp bắt buộc cai nghiện tại cộng đồng theo Điều 16, 17, 18, 19, 20, 21 Nghị định số 94/2010/NĐ-CP ngày 09/9/2010 của Chính phủ quy định về tổ chức cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng.
Tiếp thu ý kiến của cử tri, Bộ Công an sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị chức năng nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật có liên quan, góp phần tạo hành lang pháp lý thuận lợi hơn cho công tác phòng, chống ma túy giai đoạn hiện nay.