Hỏi đáp trực tuyến

Lợi dụng lòng tin của người khác để lừa bán sang nước ngoài sẽ bị xử lý như thế nào?

Người gửi: Võ Minh Hoàng

Hiện nay tình hình mua bán người trên cả nước diễn ra ngày càng phức tạp, với nhiều thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt. Với những thủ đoạn giới thiệu “việc nhẹ, lương cao” hoặc mai mối “lấy chồng ngoại quốc”, nhiều thanh niên, phụ nữ, thậm chí có cả trẻ vị thành niên đã trở thành nạn nhân của các đường dây buôn bán người. Về nội dung này, Bộ Công an cho tôi hỏi:

 - Hành vi lợi dụng lòng tin của người khác để lừa bán sang nước ngoài cho các đường dây mua bán người sẽ bị xử lý như thế nào?

- Dùng thủ đoạn mai mối “lấy chồng ngoại quốc” để lừa bán phụ nữ sang nước ngoài sẽ bị xử lý như thế nào?

- Bộ Công an có khuyến cáo gì để người dân có kiến thức phòng tránh cho bản thân mình không trở thành nạn nhân của mua bán người?

 

Ngày hỏi: 29/11/2024 Lượt xem: 586

Câu trả lời

Trong những năm gần đây, tình hình tội phạm mua bán người đã được kiềm chế và kéo giảm, tuy nhiên còn có diễn biến phức tạp và tiềm ẩn nhiều nguy cơ gia tăng, phương thức thủ đoạn tội phạm ngày càng tinh vi, đa dạng, trong đó có thủ đoạn "lợi dụng lòng tin của người khác để dụ dỗ, lừa bán ra nước ngoài..." và "dùng thủ đoạn mai mối lấy chồng ngoại quốc để lừa bán phụ nữ ra nước ngoài";

(1) Bộ luật hình sự (BLHS) năm 2015, Điều 150 quy định hành vi mua bán người (thủ đoạn có thể dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dụ dỗ, lừa gạt, cưỡng ép...)  có thể phải chịu hình phạt tù từ 5 năm đến 10 năm. Nếu phạm tội có tổ chức, vì động cơ đê hèn, gây thương tích, tổn hại sức khỏe cho nạn nhân từ 31 đến 60%, để đưa ra nước ngoài, phạm tội 2 lần trở lên… có thể phải chịu hình phạt tù từ 8 năm đến 15 năm. Các trường hợp đặc biệt nghiêm trọng như phạm tội có tính chuyên nghiệp, để lấy bộ phận cơ thể nạn nhân, gây thương tích, tổn hại sức khỏe 61% trở lên, làm nạn nhân chết hoặc tự sát, đối với 6 người trở lên hoặc tái phạm nguy hiểm có thể phải chịu hình phạt tù từ 12 đến 20 năm;

Ngoài ra người phạm tội còn có thể phải chịu hình phạt bổ sung như phạt tiền từ 20 đến 100 triệu đồng, bị quản chế, cấm cư trú từ 1 đến 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Trường hợp mua bán người dưới 16 tuổi được quy định tại Điều 151. Nếu phạm tội có hành vi rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng như " để đưa ra nước ngoài" có thể phải chịu hình phạt tù từ 12 đến 20 năm. Trường hợp đặc biệt nghiêm trọng khác như phạm tội có tổ chức, có tính chất chuyên nghiệp, gây thương tích, tổn hại sức khỏe, rối loạn tâm thần, để lấy bộ phận cơ thể hoặc làm nạn nhân chết hoặc tự sát có thể phải chịu hình phạt đến 20 năm hoặc tù chung thân...

Ngoài ra người phạm tội còn có thể phải chịu các hình phạt bổ sung như phạt tiền từ 50 triệu đến 200 triệu đồng; bị quản chế, cấm cư trú, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 đến 5 năm.

(2) Về thủ đoạn môi giới lấy chồng, kết hôn với người nước ngoài để lừa bán phụ nữ ra nước ngoài nhằm bóc lột hoặc thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật khác thì sẽ bị xem xét xử lý đến mức cao nhất có thể đến 20 năm tù như quy định tại Điều 151 nêu trên. Trường hợp lợi dụng môi giới để lừa bán nạn nhân là người dưới 16 tuổi có thể bị xem xét xử lý đến mức cao nhất là tù chung thân như quy định tại Điều 151 BLHS nêu trên.

(3) Trước tình hình, diễn biến của tội phạm mua bán người hiện nay, Bộ Công an đã, đang và tiếp tục tăng cường các biện pháp phối hợp trong phòng ngừa, đấu tranh quyết liệt với tội phạm mua bán người, để có kỹ năng nhận diện tội phạm, kỹ năng tự bảo vệ không trở thành nạn nhân của tội phạm. Bộ Công an khuyến cáo:

- Ai cũng có thể trở thành nạn nhân của tội phạm mua bán người ở bất kỳ nơi nào, lúc nào, bởi bất kỳ đối tượng nào nếu người dân lơ là cảnh giác, vì vậy mỗi người dân cần tự trang bị cho mình kiến thức nhận diện tội phạm, không vội tin những lời "mời chào có cánh", những "viễn cảnh màu hồng" được vẽ ra bởi những đối tượng phạm tội. Đặc biệt với những thủ đoạn dụ dỗ, lừa gạt trên mạng xã hội...

- Sẽ không có chuyện "việc nhẹ lương cao" hoặc kiếm tìm hạnh phúc nếu người dân tự ý xuất cảnh trái phép ra nước ngoài để tìm việc làm hoặc kết hôn với người nước ngoài...

- Nếu có ý định tìm việc làm, kết hôn ở nước ngoài phải tìm sự tham vấn của các cơ quan chức năng, Sở Tư pháp, chính quyền địa phương hoặc các tổ chức đoàn thể tại địa phương, các đường dây nóng về bảo vệ phụ nữ, trẻ em... để tìm hiểu đầy đủ thông tin về quốc gia hoặc doanh nghiệp mình định đến, và tiến hành các thủ tục xuất khẩu lao động, kết hôn có yếu tố nước ngoài theo đúng quy định của pháp luật;

- Nếu không may trở thành nạn nhân bị mua bán hoặc nghi bị mua bán, hãy mạnh dạn báo tin, tố giác và cung cấp thông tin, tài liệu cho cơ quan Công an, Biên phòng... để được bảo vệ, hỗ trợ và phục vụ việc điều tra, xử lý nghiêm tội phạm. Các cơ quan chức năng có trách nhiệm bảo vệ bí mật thông tin cho nạn nhân và những người báo tin, tố giác tội phạm theo quy định của pháp luật.

 

Người trả lời: Bộ Công an