Hỏi đáp trực tuyến

Người bị nạn cần có những kỹ năng gì để sử dụng các phương tiện nhằm an toàn thoát khỏi đám cháy?

Người gửi: Võ Minh Toàn

Hằng năm, trên địa bàn cả nước xảy ra rất nhiều vụ cháy gây thiệt hại lớn, đặc biệt là thiệt hại về người. Một trong những nguyên nhân gây thiệt hại về người khi xảy ra cháy là do người bị nạn thiếu kỹ năng sử dụng các phương tiện thoát nạn. Bộ Công an cho tôi hỏi, khi xảy ra cháy, người bị nạn cần có những kỹ năng gì để sử dụng các phương tiện nhằm an toàn thoát khỏi đám cháy?

Ngày hỏi: 05/11/2021 Lượt xem: 7065

Câu trả lời

Khi có cháy xảy ra, để được an toàn thoát khỏi đám cháy, người bị nạn cần trang bị cho mình những kỹ năng sử dụng các phương tiện thoát nạn sau đây:

a. Kỹ năng sử dụng mặt nạ lọc độc

Mặt nạ lọc độc là thiết bị rất hiệu quả giúp con người tránh hít phải khói, khí độc khi di chuyển trong đám cháy. Trước khi chuẩn bị đeo mặt nạ lọc độc, người sử dụng cần chú ý bóc lớp niêm phong tại cửa hít khí của bầu lọc (nếu có). Các bước tiến hành sử dụng mặt nạ lọc độc như sau:

Bước 1: Chụp mặt nạ lọc độc lên đầu và siết nhẹ các đai cố định trên mặt nạ (Hình 40).

 


Bước 2: Điều chỉnh vành bao của mặt nạ sao cho áp đều với khuôn mặt nhằm đảm bảo khói, khí không lọt qua khe tiếp xúc giữa vành bao của mặt nạ với khuôn mặt. Sau đó siết chặt các đai cố định theo thứ tự: Các đai ngang tai trước, tiếp đến là các đai ngang cổ và sau cùng là đai trên đỉnh đầu.

Bước 3: Kiểm tra độ kín của mặt nạ phòng độc bằng cách đặt lòng bàn tay lên bịt cửa vào của không khí trên bộ lọc độc và tiến hành thở ra, hít vào nhẹ nhàng. Nếu khi thở ra, mặt nạ căng lên và khí không rò rỉ qua khe hở giữa vành của mặt nạ với mặt người đeo, khi đó mặt nạ đảm bảo độ kín. Nếu có khí lọt ra ngoài thì cần chỉnh lại các vị trí tiếp xúc giữa vành bao của mặt nạ với mặt người sử dụng và siết lại các đai.

Lưu ý: Trước khi đeo mặt nạ lọc độc để thoát nạn phải bóc lớp niêm phong bảo vệ trên cục lọc nhằm để dòng không khí có thể đi qua phục vụ nhu cầu thở.

b. Kỹ năng sử dụng dây tự cứu

Nếu trong căn hộ gia đình có trang bị dây tự cứu loại hạ chậm (Hình 41) thì người bị nạn có thể sử dụng thiết bị này để thoát ra nơi an toàn. Các bước tiến hành sử dụng dây tự cứu hạ chậm như sau:

 


Bước 1: Quan sát và đảm bảo vị trí phía dưới, nơi thả dây thoát nạn không có khói, lửa tác động cũng như không có các chướng ngại vật gây mất an toàn cho quá trình thoát nạn.

Bước 2: Sau khi kiểm tra các móc nối dây vào thiết bị cố định đảm bảo độ chắc chắn, thì tiến hành thả một đầu dây xuống phía dưới.

Bước 3: Lấy đầu dây còn lại vòng vào người (Hình 42), siết chặt đai và chuẩn bị thoát nạn.

 


Bước 4: Di chuyển đến sát cửa sổ, ngồi lên vắt chân qua cửa sổ và kéo căng phần dây từ thân người đến điểm cố định, từ từ thả người xuống dưới, hướng mặt úp vào tường, giữ chặt hai sợi dây thoát nạn. Khi người ở trạng thái ổn định, duỗi thẳng chân, thả tay nắm hai sợi dây và để cho dây tự nhả đến khi tới nơi an toàn (Hình 43).
 


Lưu ý: Trong quá trình tụt dây xuống phải giữ bình tĩnh, hai tay đặt lên tường và mũi chân thẳng ra để có thể đẩy căng người ra tránh va vào tường hoặc các vật cản trong quá trình di chuyển xuống.

c. Kỹ năng sử dụng thang dây thoát nạn

Nếu tại các vị trí trong tòa nhà có trang bị các thang dây, người bị nạn có thể sử dụng thang dây để thoát nạn. Quy trình thoát nạn an toàn bằng thang dây theo các bước sau:

 


Bước 1: Quan sát vị trí thả thang dây xuống dưới phải đảm bảo không có vật cản, không có lửa, khói tác động và chiều dài của thang đảm bảo để người có thể xuống vị trí an toàn.

Bước 2: Cố định một đầu thang dây vào các vị trí đã thiết kế sẵn thật chắc chắn, đầu thang còn lại thả xuống phía dưới.

Bước 3: Khi kiểm tra các điều kiện đã đảm bảo thì tiến hành xuống thang, trong quá trình di chuyển phải cẩn thận, bình tĩnh và đảm bảo thang ổn định (Hình 44).

d. Kỹ năng nhảy đệm hơi cứu nạn

Khi đám cháy xảy ra ở tầng cao, người bị nạn có thể nhảy xuống đệm hơi do lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy triển khai (Hình 45) để thoát nạn. Tuy nhiên, cần chú ý một số yếu tố kỹ thuật cơ bản sau:

Bước 1: Chọn vị trí đứng chắc chắn và tuân thủ các hướng dẫn của chiến sỹ Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy về thời điểm nhảy, cách nhảy xuống đệm hơi đúng kỹ thuật.

 


Bước 2: Tiến hành nhảy xuống đệm khi chiến sỹ Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy hô hoặc ra ký hiệu. Khi nhảy phải đảm bảo sao cho phần mông và lưng tiếp xúc với mặt đệm trước và ở trạng thái nằm ngửa, đầu ngẩng cao. Tránh nhảy tiếp xúc với đệm bằng một hoặc hai chân vì có thể dẫn đến chấn thương cột sống. 

Người trả lời: Bộ Công an