Theo quy định của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2014 (sửa đổi, bổ sung năm 2019, năm 2023) thì cơ quan, tổ chức mời, bảo lãnh người nước ngoài (NNN) phải phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được pháp luật quy định hoặc giấy phép hoạt động được cấp (khoản 2 Điều 14) và phải thực hiện trách nhiệm bảo lãnh theo quy định của pháp luật, phối hợp với cơ quan chức năng của Việt Nam giải quyết những vấn đề phát sinh liên quan đến NNN đã mời, bảo lãnh, quản lý hoạt động của người nước ngoài theo đúng mục đích nhập cảnh trong thời gian tạm trú tại Việt Nam (điểm c, d khoản 2 Điều 45). Do đó, về nguyên tắc, khi doanh nghiệp không còn nhu cầu bảo lãnh NNN đã được cấp thẻ tạm trú thì liên hệ cơ quan quản lý xuất nhập cảnh để nộp lại thẻ tạm trú cũ và làm thủ tục gia hạn tạm trú cho NNN để thu xếp xuất cảnh (trường hợp NNN được doanh nghiệp khác bảo lãnh, thăm thân, nếu đáp ứng được các điều kiện như có giấy phép lao động, giấy phép đầu tư, đăng ký kết hôn với NNN đang làm việc, đầu tư tại doanh nghiệp... thì doanh nghiệp mới này có thể làm thủ tục đề nghị cấp thị thực, thẻ tạm trú cho NNN).
NNN sau khi xuất cảnh, nếu có doanh nghiệp cần mời họ vào làm việc thì doanh nghiệp thực hiện thủ tục mời, bảo lãnh theo quy định hoặc NNN có thể tự đề nghị cấp thị thực điện tử, trong đó, cần ghi cụ thể mục đích (như vào làm việc...) và tên doanh nghiệp dự kiến làm việc (tại mẫu Thông tin đề nghị cấp thị thực điện tử có mục khai thông tin cơ quan, tổ chức, cá nhân dự kiến liên hệ khi vào Việt Nam). Sau khi NNN nhập cảnh Việt Nam, nếu đủ điều kiện, doanh nghiệp có thể làm thủ tục đề nghị cấp thẻ tạm trú theo quy định tại Cục Quản lý xuất nhập cảnh hoặc Phòng Quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (nơi doanh nghiệp đặt trụ sở).