Hỏi đáp trực tuyến

Về đề nghị không loại bỏ đối tượng sử dụng ma túy ra khỏi đối tượng bị xử lý hình sự

Người gửi: Cử tri

Về thực hiện Nghị quyết số 39/2009/NQ-QH12 ngày 16/9/2009 về việc thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự. Cử tri là cán bộ thi hành pháp luật, chính quyền nhiều nơi phản ánh việc thực hiện Nghị quyết 39 của Quốc hội có nhiều điểm vướng mắc, như Điều 1, khoản 2 quy định: “b- Không xử lý về hình sự với người thực hiện một trong các hành vi sau đây: b1- Sử dụng trái phép chất ma túy quy định tại Điều 199 của Bộ luật Hình sự; c- Không xử lý về hình sự đối với người thực hiện một trong các hành vi sau đây, trừ trường hợp có yếu tố định tội khác: c1- Hành vi quy định tại khoản 1 các Điều 137, 138, 139, 278 và 280 của Bộ luật Hình sự mà tài sản bị chiếm đoạt có giá trị dưới 02 triệu đồng; c2- Hành vi quy định tại Khoản 1 các Điều 279, 283, 289, 290 và 291 của Bộ luật Hình sự mà tài sản phạm tội có giá trị dưới 02 triệu đồng. Đề nghị Bộ Công an nghiên cứu, hướng dẫn cụ thể trường hợp quy định tại điểm c Khoản 1, Điều 2 Nghị quyết số 33/2009/NQ-QH12 ngày 19/6/2009 (Nghị quyết số 33) và trình Quốc hội xem xét, quy định không loại bỏ đối tượng sử dụng ma túy ra khỏi đối tượng bị xử lý hình sự để đảm bảo tính phòng ngừa và răn đe, giữ gìn an ninh trật tự xã hội.

Ngày hỏi: 28/11/2017 Lượt xem: 8060

Câu trả lời

Về vấn đề này, Bộ Công an xin trả lời như sau:

a) Về kiến nghị hướng dẫn cụ thể trường hợp quy định tại Điểm c, Khoản 1, Điều 2 Nghị quyết số 33/2009/NQ-QH12.

Theo quy định tại Điểm c, Khoản 2, Điều 1 Nghị quyết số 33, kể từ ngày Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự được công bố (ngày 29/6/2009) không xử lý về hình sự đối với người thực hiện một trong các hành vi quy định tại Khoản 1 các Điều 137 (tội công nhiên chiếm đoạt tài sản), Điều 138 (tội trộm cắp tài sản), Điều 139 (tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản), Điều 278 (tội tham ô tài sản) và Điều 280 (tội  lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản) của Bộ luật hình sự mà tài sản bị chiếm đoạt có giá trị dưới hai triệu đồng; tại khoản 1 các Điều 279 (tội nhận hối lộ), Điều 283 (tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi), Điều 289 (tội đưa hối lộ), Điều 290 (tội làm môi giới hối lộ) và Điều 291 (tội lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ quyền hạn để  trục lợi) của Bộ luật hình sự mà tài sản phạm tội có giá trị dưới hai triệu đồng, trừ trường hợp có yếu tố định tội khác. Để thi hành đúng và thống nhất Khoản 2, Điều 1 Nghị quyết số 33, ngày 06/8/2009, Bộ Công an đã có Công văn số 1774/BCA-V19 hướng dẫn Công an các đơn vị, địa phương thi hành quy định nêu trên.

b) Về kiến nghị trình Quốc hội xem xét, quy định không loại bỏ đối tượng sử dụng ma túy ra khỏi đối tượng bị xử lý hình sự để đảm bảo tính phòng ngừa và răn đe, giữ gìn an ninh, trật tự xã hội.

Theo quy định Luật Phòng, chống ma túy (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2008), người nghiện ma tuý không chỉ là người vi phạm pháp luật mà còn là người bệnh, là nạn nhân của tệ nạn ma tuý. Theo đó, trên cơ sở nguyên tắc nhân đạo và đánh giá tính chất, mức độ của hành vi sử dụng trái phép chất ma túy, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự đã bãi bỏ Điều 199 quy định về tội sử dụng trái phép chất ma tuý. Trong quá trình tham gia sửa đổi Bộ luật hình sự, Bộ Công an đề xuất ý kiến không bỏ Điều luật này, tuy nhiên Quốc hội vẫn biểu quyết bãi bỏ. Như vậy, kể từ khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự có hiệu lực thi hành, người sử dụng trái phép chất ma túy chỉ có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại Khoản 1, Điều 21 Nghị định số 73/2010/NĐ-CP ngày 12/7/2010 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh và trật tự, an toàn xã hội. Qua theo dõi cho thấy, kể từ khi Điều 199 Bộ luật hình sự quy định tội sử dụng trái phép chất ma túy được bãi bỏ, tình hình tệ nạn ma túy, tội phạm ma túy trở nên phức tạp hơn. Do vậy, Bộ Công an xin tiếp thu kiến nghị này của cử tri, nghiên cứu và trong lần sửa đổi Bộ luật hình sự tới sẽ có những đề xuất phù hợp, đáp ứng yêu cầu bảo vệ an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

Người trả lời: Bộ Công an