Tại Khoản 1, Khoản 2, Điều 32, Luật Cư trú quy định cụ thể đối tượng phải làm thủ tục khai báo tạm vắng, gồm: Bị can, bị cáo đang tại ngoại; người bị kết án phạt tù nhưng chưa có quyết định thi hành án hoặc được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù; người bị kết án phạt tù được hưởng án treo; người bị phạt cải tạo không giam giữ; người đang bị quản chế; người đang chấp hành biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn; người bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh, trường giáo dưỡng nhưng đang được hoãn chấp hành hoặc tạm đình chỉ thi hành khi đi khỏi nơi cư trú từ một ngày trở lên có trách nhiệm khai báo tạm vắng; người trong độ tuổi làm nghĩa vụ quân sự, dự bị động viên đi khỏi huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh nơi mình cư trú từ ba tháng trở lên có trách nhiệm khai báo tạm vắng.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho công dân trong thực hiện thủ tục tạm trú, tạm vắng và bảo đảm quyền tự do cư trú, tự do đi lại của công dân thì các trường hợp không thuộc đối tượng nêu trên khi đi khỏi địa phương không phải làm thủ tục khai báo tạm vắng. Khi công dân đến nơi ở mới và làm thủ tục đăng ký tạm trú nếu cần xác minh nội dung gì thì cơ quan Công an nơi công dân đang tạm trú liên hệ, trao đổi với cơ quan Công an nơi đăng ký thường trú để quản lý theo đúng quy định. Cơ quan Công an không có thẩm quyền đề nghị cơ quan, doanh nghiệp, trường học… khi tiếp nhận người đến làm việc, học tập phải có Phiếu khai báo tạm vắng, vì trái với Luật Cư trú.