Trước khi có Chỉ thị 21/1998/CT-TTg, tình hình ở một số địa phương và trên một số tuyến giao thông đường bộ xảy ra tình trạng nhiều lực lượng tuỳ tiện dừng phương tiện giao thông để kiểm tra, kiểm soát, làm ảnh hưởng tới lưu thông hàng hoá và sự đi lại bình thường của nhân dân. Trong nhiều trường hợp, một số cá nhân lợi dụng việc này để gây nhũng nhiễu, thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, gây bất bình trong nhân dân. Để chấn chỉnh tình trạng này, ngày 24/4/1998, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 21/1998/CT-TTg, trong đó quy định rất rõ việc dừng phương tiện của các lực lượng, tại Điểm 4 có quy định: “ Lực lượng quản lý thị trường, Thuế vụ, Hải quan khi phát hiện phương tiện giao thông có chở hàng lậu thì trực tiếp liên hệ với Cảnh sát giao thông đang làm nhiệm vụ nơi gần nhất để Cảnh sát giao thông dừng phương tiện cho các lực lượng đó kiểm tra, kiểm soát và phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật về yêu cầu dừng phương tiện giao thông”.
Mặt khác, Điều 87 Luật Giao thông Đường bộ năm 2008 quy định việc tuần tra, kiểm soát trên các tuyến giao thông chỉ do lực lượng Cảnh sát giao thông đường bộ đảm nhiệm. Để thực hiện nghiêm túc, Luật Giao thông đường bộ, Bộ Công an đã ban hành Thông tư số 45/2012/TT-BCA, ngày 27/7/2012 quy định cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát giao thông khi đi ra đường làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát phải đeo biển hiệu Cảnh sát tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ; Thông tư số 65/2012/TT-BCA, ngày 30/10/2012 quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung tuần tra, kiểm soát của Cảnh sát giao thông đường bộ; Thông tư số 66/2012/TT-BCA, ngày 30/10/2012 quy định về quy trình tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính của Cảnh sát giao thông.
Các quy định của pháp luật nêu trên đang được thực thi là phù hợp, khắc phục được tình trạng nhiều lực lượng ra đường dừng phương tiện để kiểm tra, kiểm soát, ảnh hưởng tới lưu thông hàng hoá và sự đi lại bình thường của nhân dân; quá trình thực hiện các quy định này chưa có vướng mắc gì. Vì vậy, cần tiếp tục duy trì thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật hiện hành.
Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 đã quy định tăng thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính cho Đội trưởng Đội quản lý thị trường, trong đó quy định việc tăng thẩm quyền phạt tiền từ 5.000.000đ (̣̣̣̣theo khoản 2, Điều 37 Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính) lên 25.000.000đ (theo khoản 2, Điều 45 Luật xử lý vi phạm hành chính).