Hỏi đáp trực tuyến

Về kiến nghị tăng cường hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội phạm buôn bán người

Người gửi: Cử tri tỉnh Bình Dương

Tình trạng buôn người vẫn còn diễn ra do công tác phòng, chống buôn bán người và hệ thống pháp luật còn nhiều bất cập. Cử tri kiến nghị nhà nước cần tăng cường hiệu quả của cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm buôn người, đặc biệt là mua bán phụ nữ, trẻ em đồng thời có chính sách hỗ trợ tái hoà nhập cho nạn nhân.

Ngày hỏi: 28/11/2017 Lượt xem: 12371

Câu trả lời

* Về các giải pháp ngăn chặn tình trạng mua bán người:
Công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, được Quốc hội, Chính phủ và Bộ Công an rất quan tâm tập trung chỉ đạo quyết liệt. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1427/QĐ-TTg, ngày 18/8/2011 phê duyệt Chương trình hành động phòng, chống tội phạm mua bán người giai đoạn 2011 – 2015. Với vai trò là Cơ quan Thường trực, Bộ Công an đã tham mưu cho Ban Chỉ đạo 138/CP chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tổ chức triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người. Tuy nhiên, tình hình hoạt động của tội phạm mua bán người, nhất là mua bán phụ nữ, trẻ em vẫn diễn biến phức tạp. Năm 2013, trên cả nước xảy ra 507 vụ, lừa bán 982 nạn nhân (tăng 4% số vụ, 11% số nạn nhân so với năm 2012). Trong 6 tháng đầu năm 2014, trên cả nước xảy ra 301 vụ, lừa bán 651 nạn nhân (tăng 16% số vụ, 31% số nạn nhân so với cùng kỳ năm 2013). Thời gian gần đây, xuất hiện tình trạng mua bán trẻ sơ sinh tại TP. Hồ Chí Minh (bệnh viện Từ Dũ, Hùng Vương…), gây tâm lý lo lắng, bất bình trong nhân dân.

Nguyên nhân của tình hình trên chủ yếu là do: (1) Ở một số địa phương, cấp ủy, chính quyền chưa thật sự quan tâm chỉ đạo đấu tranh phòng, chống loại tội phạm này; sự vào cuộc của các ban, ngành, đoàn thể nhiều nơi còn mang tính hình thức, chưa tạo được phong trào rộng khắp và thu hút được nhân dân tích cực tham gia nên hiệu quả chưa cao. (2) Công tác phòng ngừa xã hội và phòng ngừa nghiệp vụ hiệu quả còn hạn chế. (3) Công tác truyền thông, phổ biến và giáo dục pháp luật về phòng, chống mua bán người còn dàn trải và hình thức, chưa tập trung vào đối tượng có nguy cơ cao. (4) Công tác tiếp nhận, xác minh và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về còn gặp nhiều khó khăn và bất cập, nhất là chưa tạo được cơ chế phối hợp thống nhất, đồng bộ trong việc tiếp nhận, xác minh, bảo vệ nạn nhân. (5) Hệ thống văn bản pháp luật về phòng, chống mua bán người còn nhiều bất cập. (6) Ý thức cảnh giác, tự bảo vệ của một bộ phận người dân còn hạn chế, chủ quan, sơ hở để các đối tượng lợi dụng thực hiện hành vi phạm tội.

Trước tình hình trên, Bộ Công an đã và đang tập trung chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương thực hiện tốt các công tác sau:

- Tham mưu với cấp uỷ, chính quyền các cấp tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 37/2012/QH13, ngày 23/11/2012 của Quốc hội về công tác phòng, chống vi phạm pháp luật, tội phạm và công tác thi hành án năm 2013; Chỉ thị số 48-CT/TW, ngày 22/10/2010 của Bộ Chính trị (khóa X) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới”; Chỉ thị số 09-CT/TW, ngày 01/12/2011 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới” và Chương trình hành động phòng, chống tội phạm mua bán người, nhằm huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong công tác phòng, chống tội phạm mua bán người.

- Chủ động báo cáo cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể, cơ quan thông tin truyền thông đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật, phương thức thủ đoạn hoạt động của tội phạm mua bán người để chủ động phòng ngừa, tích cực tham gia đấu tranh phòng, chống loại tội phạm này. Xây dựng và nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến về phòng, chống tội phạm mua bán người ở cơ sở.

- Chủ động nắm tình hình, phát hiện và xử lý triệt để các trung tâm môi giới trái pháp luật về hôn nhân có yếu tố nước ngoài, xuất khẩu lao động, cho nhận con nuôi nhằm hoạt động mua bán người. Tăng cường công tác quản lý xuất nhập cảnh, kiểm soát chặt chẽ các cửa khẩu, khắc phục những sơ hở trong quản lý người nước ngoài, quản lý nhân, hộ khẩu, quản lý dịch vụ Internet... không để đối tượng lợi dụng hoạt động phạm tội mua bán người.

- Triển khai có hiệu quả các cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm mua bán người, trọng tâm là tuyến biên giới Việt Nam-Trung Quốc, Việt Nam-Campuchia. Tập trung đấu tranh, làm rõ các vụ án mua bán người, đặc biệt là các vụ án có tổ chức, xuyên quốc gia. Phối hợp với Viện kiểm sát, Tòa án đưa ra xét xử kịp thời các vụ án điểm nhằm răn đe tội phạm.

- Chỉ đạo làm tốt công tác giải cứu, tiếp nhận nạn nhân; phối hợp với các bộ, ban, ngành triển khai chính sách, dịch vụ hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về tái hòa nhập như trợ cấp khó khăn, học nghề, tạo việc làm, khám chữa bệnh… giúp họ sớm ổn định cuộc sống.

- Phối hợp với các bộ, ngành đề xuất sửa đổi, bổ sung Bộ luật hình sự theo hướng bổ sung một số hành vi xâm phạm phụ nữ, trẻ em, có tính chất nguy hiểm cho xã hội vào Bộ luật hình sự, như: bóc lột sức lao động trẻ em; chiếm đoạt, mua bán trái phép mô, tạng… Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan cho phù hợp với tình hình thực tiễn, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ để xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật và tội phạm mua bán, ngược đãi phụ nữ, trẻ em.

- Tăng cường hợp tác quốc tế với các cơ quan thực thi pháp luật, lực lượng cảnh sát các nước trong đó tập trung thông qua kênh hợp tác Interpol, ASEANAPOL trong công tác phòng, chống tội phạm mua bán người. Các địa phương có đường biên giới duy trì giao ban, gặp gỡ, đàm phán, thiết lập đường dây “nóng” với các đơn vị, địa phương của các nước láng giềng nhằm chủ động trao đổi thông tin, phối hợp điều tra, truy bắt tội phạm, giải cứu, tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về; tổ chức các diễn đàn truyền thông chung về phòng, chống mua bán người.

* Về chính sách hỗ trợ tái hoà nhập cho nạn nhân
Bộ Công an đã và đang chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các bộ, ngành, địa phương có liên quan thực hiện công tác hỗ trợ tái hòa nhập cho nạn nhân bị mua bán trở về, như: Tiến hành rà soát, thống kê nạn nhân bị mua bán trở về để đánh giá tình hình công tác hỗ trợ nạn nhân và chuẩn bị điều kiện về cơ sở vật chất, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ; triển khai Đề án đường dây nóng hỗ trợ nạn nhân; xây dựng các mô hình hỗ trợ nạn nhân hòa nhập cộng đồng; có nhiều chính sách, dịch vụ hỗ trợ nạn nhân tái hòa nhập cộng đồng như hỗ trợ y tế, chăm sóc sức khỏe, học nghề, trợ giúp pháp lý, vốn vay lãi suất thấp …; tổ chức sơ kết, tổng kết các hoạt động hỗ trợ nạn nhân, các hội thảo chia sẻ kinh nghiệm trong công tác tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về nhằm nâng cao năng lực cho các cán bộ thực hiện công tác hỗ trợ cũng như nâng cao hiệu quả công tác hỗ trợ nạn nhân; xây dựng bộ tiêu chuẩn tối thiểu hỗ trợ bảo vệ nạn nhân đưa vào áp dụng đạt hiệu quả cao. Trong năm 2013, các lực lượng chức năng đã giải cứu, tiếp nhận và xác minh 871 nạn nhân; 6 tháng đầu năm 2014 đã giải cứu, tiếp nhận, xác minh 445 nạn nhân và thực hiện nhiều chính sách tái hòa nhập cộng đồng cho các nạn nhân bị mua bán, giúp họ sớm ổn định cuộc sống.
 

Người trả lời: Bộ Công an