Hỏi đáp trực tuyến

Về tăng cường các biện pháp đấu tranh phòng chống tội phạm

Người gửi: Cử tri thành phố Đà Nẵng

Nhân dân rất bức xúc trước sự lộng hành của các đối tượng phạm pháp, ngang nhiên chống lại lực lượng thi hành công vụ, thậm chí trực tiếp xâm hại đến tính mạng, sức khoẻ các chiến sỹ Công an. Đề nghị Bộ Công an chỉ đạo tăng cường các biện pháp đấu tranh phòng, chống tội phạm, cương quyết xử lý nghiêm những trường hợp chống lại người thi hành công vụ; trang bị dụng cụ bảo vệ đảm bảo tính mạng của lực lượng trấn áp tội phạm.

Ngày hỏi: 28/11/2017 Lượt xem: 16237

Câu trả lời

Thời gian qua, tình trạng chống người thi hành công vụ, nhất là chống lại lực lượng Công an, Kiểm lâm… liên tục gia tăng về số vụ, với tính chất hành vi rất nguy hiểm, liều lĩnh, thể hiện sự coi thường pháp luật. Từ năm 2003 đến nay, trung bình hàng năm số vụ chống người thi hành công vụ tăng khoảng 25%; riêng năm 2009, đã xảy ra 749 vụ, tăng 11,9% so với năm 2008. Đối tượng chống người thi hành công vụ đa dạng (từ số đối tượng phạm tội nguy hiểm, có tiền án, tiền sự, côn đồ, đến đối tượng phạm tội lần đầu, thanh, thiếu niên, học sinh, sinh viên...). Các vụ chống người thi hành công vụ, nhất là chống lại lực lượng Công an (chiếm trên 80%), xảy ra ngày càng nhiều, gây nhiều thương vong cho lực lượng thi hành công vụ nhưng việc ngăn chặn, xử lý đang gặp nhiều khó khăn.

 Sự gia tăng của các vụ chống người thi hành công vụ có nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân cơ bản là các quy định về xử lý hành chính đối với các hành vi chống người thi hành công vụ còn thiếu, khung hình phạt đối với tội chống người thi hành công vụ còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe (theo Điều 257, Bộ luật Hình sự năm 1999 quy định về tội chống người thi hành công vụ, thì mức hình phạt thấp nhất đối với các trường hợp phạm tội ít nghiêm trọng là phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm; mức hình phạt cao nhất đối với trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng là phạt tù đến 7 năm; trong trường hợp có các tình tiết khác mà cấu thành tội khác thì sẽ truy tố tội đó theo quy định của pháp luật). Trong thực tiễn, các vụ chống người thi hành công vụ cũng chưa được xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, chỉ những vụ gây hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng người thi hành công vụ mới bị xử lý bằng hình sự, còn các vụ gây hậu quả ít nghiêm trọng thường chỉ xử lý bằng biện pháp hành chính. Bên cạnh đó, quy định về trang bị vũ khí, công cụ hỗ trợ và các quy định về sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ trong phòng vệ, tự vệ và trấn áp các hành vi vi phạm pháp luật nói chung, trong phòng, chống các hành vi chống người thi hành công vụ nói riêng chưa đầy đủ, còn chung chung, khó áp dụng trong thực tiễn đã hạn chế đến khả năng đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật của các lực lượng chức năng.

Thực tế cho thấy, khi thực hiện hành vi tự vệ, ngăn chặn trốn chạy hay ngăn chặn hành động chống người thi hành công vụ, có một số trường hợp lực lượng thi hành công vụ đã gây thương tích ở những mức độ khác nhau cho người vi phạm; sau những sự việc như vậy, có trường hợp người bị thương tích ăn vạ, không hợp tác, thậm chí vu khống hoặc tiếp tục có lời lẽ xúc phạm nặng nề hơn, còn người thi hành công vụ thường bị khiển trách hoặc bị kỷ luật; trong khi đó, có cơ quan báo chí tuyên truyền lại đưa tin thiếu khách quan hoặc không đầy đủ gây bức xúc dư luận; mặt khác, việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về lĩnh vực này chưa được tốt, nhận thức pháp luật của một bộ phận quần chúng còn hạn chế…; từ đó, đã dẫn đến tâm lý chán nản, né tránh trong một số cán bộ thi hành công vụ và sự lấn lướt tỏ thái độ coi thường pháp luật từ phía những người chống đối.

Từ những nguyên nhân trên cho thấy, việc tăng nặng chế tài xử lý đối với hành vi chống người thi hành công vụ là yêu cầu cần thiết và cấp bách hiện nay. Đây là những vấn đề không chỉ điều chỉnh bằng quy định của Chính phủ mà cần phải pháp luật hoá để có cơ sở pháp lý áp dụng các chế tài nghiêm khắc đối với các hành vi chống người thi hành công vụ. Bộ Công an đã chỉ đạo các đơn vị chức năng rà soát tình hình, kết quả công tác điều tra các vụ chống người thi hành công vụ từ năm 2005 – 2009 và đã tổ chức hội thảo về vấn đề này; trên cơ sở đó, rút ra những vấn đề bất cập và đề xuất bổ sung, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến phòng, chống tội phạm chống người thi hành công vụ; như kiến nghị tăng mức hình phạt, quy định đầy đủ và chi tiết về xử lý hành chính đối với người chống người thi hành công vụ và quy định rõ hơn về thẩm quyền, cách thức, thủ tục sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ phục vụ công tác. 

Bên cạnh đó, Bộ Công an đã và đang tập trung nghiên cứu, xây dựng tiêu chuẩn trang bị phương tiện, vũ khí, công cụ hỗ trợ dùng trong lực lượng Công an nhân dân, thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn về võ thuật, nghiệp vụ và các hoạt động cần thiết khác kết hợp với tăng cường kiểm tra, giáo dục động viên cán bộ, chiến sỹ; đồng thời đề xuất hiện đại hoá trang bị phương tiện, vũ khí và công cụ hỗ trợ mang tính chiến lược cho toàn lực lượng để góp phần từng bước giải quyết có hiệu quả hành vi chống người thi hành công vụ hiện nay.

Người trả lời: Bộ Công an