Về các vấn đề này, Bộ Công an xin trả lời, như sau:
Về kiến nghị liên quan đến đo tốc độ các phương tiện tham gia giao thông của lực lượng Cảnh sát giao thông thực tế cho thấy, chạy quá tốc độ là một trong những nguyên nhân trực tiếp gây ra các vụ tai nạn giao thông. Việc lực lượng Cảnh sát giao thông đo tốc độ các phương tiện tham gia giao thông, kịp thời phát hiện, xử lý những người lái xe chạy quá tốc độ nhằm hạn chế tai nạn giao thông là rất cần thiết. Tuy nhiên, thực tế nhiều lái xe tìm cách đối phó với việc đo tốc độ công khai, như: đang chạy với tốc độ cao, khi phát hiện các trạm, chốt của Cảnh sát giao thông sẽ giảm tốc độ hoặc né tránh; người lái xe bị xử phạt thông báo cho người lái xe đang tham gia giao thông khác biết để né tránh, gây khó khăn trong việc thực thi nhiệm vụ của lực lượng Cảnh sát giao thông… Vì vậy, việc kết hợp giữa hình thức đo tốc độ công khai và bí mật là xuất phát từ đòi hỏi của tình hình thực tế.
Căn cứ Luật Công an nhân dân năm 2014, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 và Nghị định số 106/2014/NĐ-CP, ngày 17/11/2014 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an, ngày 04/01/2016, Bộ Công an ban hành Thông tư số 01/2016/TT-BCA quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ của Cảnh sát giao thông; theo đó, tại Khoản 1, Điều 9 quy định: “Hóa trang sử dụng các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông”. Do vậy, việc lực lượng Cảnh sát giao thông kết hợp biện pháp công khai với bí mật (hóa trang) để đo tốc độ là cần thiết, xuất phát từ thực tiễn công tác và đúng quy định của pháp luật./.