Hỏi đáp trực tuyến

Về xử phạt các hành vi buôn bán, vận chuyển, sử dụng ma tuý và tệ nạn XH

Người gửi: Cử tri tỉnh Hưng Yên

Đề nghị có quy định xử phạt thật nghiêm khắc đối với những người tham gia buôn bán, vận chuyển và sử dụng chất ma tuý; tổ chức hoạt động các tệ nạn xã hội như mại dâm, mê tín dị đoan.

Ngày hỏi: 28/11/2017 Lượt xem: 13530

Câu trả lời

      Những năm qua, tình hình tội phạm và tệ nạn xã hội vẫn diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng, nhất là tội phạm hình sự, ma tuý và các tệ nạn mại dâm, mê tín, dị đoan... Trước tình hình đó, Bộ Công an đã tham mưu cho Chính phủ và chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương phối hợp với các Bộ, Ban, ngành tham mưu cho các cấp uỷ, chính quyền triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều chủ trương, biện pháp công tác lớn, nhằm kiềm chế sự gia tăng của tội phạm, vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội, đảm bảo an ninh, trật tự như: Nghị quyết số 09/CP, Chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm; Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma tuý; Chương trình hành động phòng, chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em... Đồng thời, đã mở nhiều đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm theo các chuyên đề, trên các tuyến và địa bàn trọng điểm; đấu tranh hàng trăm chuyên án, triệt phá nhiều băng, ổ nhóm tội phạm hình sự nguy hiểm, nhiều đường dây buôn bán, vận chuyển ma tuý lớn, các tụ điểm phức tạp về ma tuý, tệ nạn xã hội... (Năm 2009, đã triệt phá 3.430 băng, nhóm tội phạm; phát hiện, xử lý 5.952 vụ cờ bạc, 25.751 đối tượng; bắt 564 vụ mại dâm, gồm 1.693 đối tượng; đã phát hiện, bắt giữ 10.648 vụ, 15.608 đối tượng phạm tội về ma tuý...)

Để góp phần ngăn chặn, đẩy lùi tệ nạn và tội phạm ma túy, pháp luật hiện hành đã quy định chế tài xử lý đối với các hành vi mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép chất ma túy. Trong Bộ luật Hình sự, có 2/9 điều luật về tội phạm ma tuý quy định hình phạt cao nhất là tử hình, 4/9 điều luật quy định hình phạt cao nhất là tù chung thân, 2/9 điều luật quy định hình phạt cao nhất là 15 năm tù, điều luật còn lại quy định hình phạt cao nhất là 7 năm tù. Người có hành vi vi phạm pháp luật về ma túy chưa đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì sÏ bị xử lý theo Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính và Nghị định số 150/2005/NĐ-CP ngày 12/12/2005 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự và an toàn xã hội; theo đó, mức phạt tiền cao nhất đến 30 triệu đồng; ngoài ra, còn có thể bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung như: tịch thu tang vật và phương tiện vi phạm, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc từ 1 đến 2 năm... 

     Theo quy định hiện hành, hoạt động mại dâm, mê tín, dị đoan tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý theo pháp luật hình sự hoặc theo pháp luật hành chính. Bộ luật Hình sự năm 1999 quy định hình phạt cao nhất cña tội chứa mại dâm là tù chung thân (Điều 254); tội hành nghề mê tín, dị đoan là 10 năm tù (Điều 247). Đối với các hoạt động mại dâm chưa đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì theo Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính, Nghị định số 150/2005/NĐ-CP, Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm và Nghị định số 178/2004/NĐ-CP ngày 15/10/2004 quy định xử lý mức phạt tiền cao nhất là 30 triệu đồng; ngoài ra, còn có thể bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn hoặc đưa vào cơ sở chữa bệnh, bị tịch thu tang vật và phương tiện vi phạm, tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề... Đối với hành vi tổ chức hoạt động mê tín, dị đoan chưa đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì theo Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính và Nghị định số 56/2006/NĐ-CP ngày 06/6/2006 về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động văn hóa - thông tin quy định xử lý mức phạt tiền từ 300.000đ đến 1.000.000đ; ngoài ra, còn bị tịch thu tang vật và phương tiện vi phạm, tịch thu sung công quỹ Nhà nước số tiền thu bất chính.

      Như vậy, pháp luật hiện hành đã quy định các chế tài, biện pháp xử lý nghiêm minh đối với các hành vi vi phạm pháp luật về ma túy, mại dâm, mê tín, dị đoan. Trong quá trình áp dụng, Bộ Công an đã và sẽ phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tiến hành rà soát, tổng kết thực tiễn để có cơ sở đề xuất sửa đổi, bổ sung mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm nêu trên cho phù hợp với tình hình mới, đủ sức giáo dục, răn đe người vi phạm. Cùng với việc xử lý nghiêm minh hành vi vi phạm, Bộ Công an cũng sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, tổ chức liên quan áp dụng đồng bộ các giải pháp khác nhằm phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với các tệ nạn và tội phạm ma tuý, mại dâm, mê tín, dị đoan.
 

Người trả lời: Bộ Công an