1. Những căn cứ cho việc xây dựng lực lượng Công an xã, thị trấn chính quy, gồm:
* Căn cứ pháp lý:
- Khoản 2, Điều 14 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”. Trong đó, hoạt động của Công an xã có liên quan trực tiếp đến việc bảo đảm quyền con người, quyền công dân ở cơ sở. Vì vậy, việc bố trí lực lượng Công an chính quy tại xã để cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 nhằm vừa bảo đảm cho hoạt động giữ gìn an ninh, trật tự tại địa bàn cơ sở, vừa bảo đảm quyền con người, quyền công dân được thực hiện đúng quy định pháp luật;
- Luật Công an nhân dân hiện hành cũng đã khẳng định Công an nhân dân là lực lượng vũ trang nhân dân với cơ cấu gồm lực lượng An ninh nhân dân, lực lượng Cảnh sát nhân dân và Công an xã. Vì vậy, cần thiết phải xây dựng lực lượng Công an xã chính quy để bảo đảm sự thống nhất về tổ chức, hoạt động của Công an xã tương xứng với vị trí của Công an xã;
- Khoản 4, Điều 10 Pháp lệnh Công an xã quy định Bộ Công an bố trí Công an chính quy ở xã và thực tế Bộ Công an đã bố trí và thực hiện hiệu quả chủ trương bố trí Công an chính quy ở xã (từ năm 1989 đến nay);
- Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 15/3/2018 của Bộ Chính trị “về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy Bộ Công an tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” cũng đã xác định nội dung bố trí lực lượng Công an xã chính quy;
- Những năm gần đây, Quốc hội đã thông qua nhiều luật mới như: Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự, Luật Căn cước công dân, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Đặc xá, Luật Thi hành án hình sự, Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ... trong đó, có bổ sung một số nhiệm vụ, quyền hạn cho Công an xã. Do đó, việc xây dựng lực lượng Công an xã chính quy sẽ góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả việc thi hành hệ thống pháp luật có liên quan đến an ninh, trật tự ở địa bàn cơ sở.
* Căn cứ thực tiễn:
- Tình hình an ninh nông thôn, đô thị tiềm ẩn nhiều vấn đề bất ổn, nhất là các vụ việc khiếu kiện, xung đột xã hội liên quan đến đất đai, quản lý, thu hồi đất để triển khai các dự án phát triển kinh tế - xã hội. Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất được hình thành, nảy sinh nhiều vấn đề mới đặt ra trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự. Quá trình đô thị hóa tăng nhanh, thu hồi đất, dẫn đến một bộ phận nhân dân không có việc làm, nảy sinh nhiều tệ nạn xã hội như cờ bạc, cá độ, cho vay nặng lãi, bảo kê.... là nguyên nhân gián tiếp làm phát sinh các loại tội phạm hình sự;
- Các loại tội phạm và vi phạm pháp luật có xu hướng gia tăng và diễn biến phức tạp hơn, nhất là tội phạm có tổ chức, sử dụng vũ khí nóng, tội phạm có tính chất khủng bố, tội phạm chống người thi hành công vụ. Các loại tội phạm có yếu tố nước ngoài, tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm môi trường ngày càng diễn biến phức tạp;
- Những diễn biến tình hình nêu trên nếu xảy ra đều sẽ bắt đầu từ địa bàn cơ sở, nếu không quyết liệt phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý, sẽ làm cho môi trường sống, môi trường đầu tư, đặc biệt là sự ổn định về chính trị, an ninh, trật tự và an sinh xã hội bị ảnh hưởng nghiêm trọng;
- Việc bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở địa bàn nông thôn hiện nay chủ yếu do lực lượng Công an xã đảm nhiệm. Đây là địa bàn rộng lớn, chiếm 80% diện tích cả nước và là địa bàn đã và đang nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp về an ninh, trật tự, đặc biệt là tình hình an ninh nông thôn, dân tộc, tôn giáo, tình hình tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác.
- Tình hình nêu trên đặt trách nhiệm nặng nề hơn đối với lực lượng Công an xã, đòi hỏi phải tăng cường hơn nữa việc thực hiện nhiệm vụ cũng như bảo đảm các điều kiện hoạt động đối với lực lượng Công an xã để lực lượng này thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, hiện nay việc thực hiện chế độ, chính sách và bảo đảm các điều kiện hoạt động đối với lực lượng Công an xã bán chuyên trách còn chưa tương xứng với chức năng, nhiệm vụ mà lực lượng này đang thực hiện, đã có hàng ngàn Phó trưởng Công an xã và Công an viên đã xin nghỉ việc vì chế độ phụ cấp hàng tháng quá thấp, không bảo đảm điều kiện sinh hoạt của bản thân và gia đình;
- Theo hồ sơ dự án Luật cho thấy, trong nhiều năm qua, Chính phủ, Bộ Công an đã có nhiều mô hình bố trí lực lượng đảm bảo an ninh, trật tự ở địa bàn xã. Tuy nhiên, các mô hình này đều chưa đáp ứng được tốt nhất yêu cầu bảo đảm an ninh, trật tự tại địa bàn xã. Kinh nghiệm qua sơ kết triển khai thực hiện bố trí Công an chính quy đảm nhiệm các chức danh Công an xã tại 828 xã ở 38 tỉnh, thành phố vừa qua cho thấy, tuy có một số hạn chế nhưng có thể khắc phục được và đây là mô hình có hiệu quả nhất; công tác tham mưu, quản lý nhà nước về an ninh, trật tự và đấu tranh phòng, chống tội phạm trên địa bàn xã được nâng cao, góp phần ổn định tình hình và phát triển kinh tế xã hội ở địa phương;
- Bố trí Công an xã chính quy thì khi đó đồng chí Trưởng Công an xã (có tiêu chuẩn cán bộ tương đương Trưởng Công an phường) nếu được cơ cấu tham gia Ban Thường vụ Đảng ủy xã (tương tự như đồng chí Trưởng Công an phường cơ cấu vào Ban Thường vụ Đảng ủy phường) sẽ bảo đảm tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng đối với Công an xã, đồng thời, vị trí, vai trò của Công an xã được nâng lên (hiện Trưởng Công an xã là công chức cấp xã chỉ được cơ cấu tham gia Ban Chấp hành).
2. Khi bố trí Công an xã chính quy, Công an xã sẽ thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Luật Công an nhân dân và các quy định của pháp luật chuyên ngành về an ninh, trật tự. Vì vậy, phải điều chỉnh Luật Công an nhân dân, Luật Cán bộ, công chức quy định về Công an xã và các văn bản hướng dẫn thi hành. Đồng thời, cần có phương án bố trí công tác khác cho 9.339 Trưởng Công an xã hiện nay (là công chức cấp xã) phù hợp với năng lực, trình độ chuyên môn, sở trường của từng đồng chí.
- Đối với các tổ chức quần chúng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự tại cơ sở: Hiện nay, ở địa bàn cơ sở (xã, phường, thị trấn) ngoài lực lượng Công an phường, Công an thị trấn, Công an xã còn có nhiều mô hình tổ chức quần chúng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở, như: Đội dân phòng, Tổ hòa giải, Bảo vệ dân phố, Bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp... Khi bố trí Công an xã là Công an chính quy sẽ tiếp tục huy động lực lượng Công an viên hiện nay và các tổ chức này tham gia bảo vệ an ninh, trật tự tại thôn, ấp, bản, làng... Theo đó, lực lượng Công an viên hiện nay ở xã và lực lượng Bảo vệ dân phố ở phường sẽ là lực lượng chủ yếu hỗ trợ Công an phường, Công an xã thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự. Các mô hình tổ chức quần chúng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự tại cơ sở đang được điều chỉnh bằng nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau, nhưng chưa có một quy định thống nhất. Vì vậy, để huy động Bảo vệ dân phố, Công an xã bán chuyên trách hiện nay và các tổ chức quần chúng khác tham gia công tác bảo vệ an ninh, trật tự, cần thiết phải xây dựng văn bản quy phạm pháp luật quy định chung về tổ chức và hoạt động của các lực lượng này (có thể đề xuất Quốc hội cho xây dựng dự án Luật lực lượng trị an cơ sở).
- Xây dựng lực lượng Công an xã chính quy cần thiết phải sửa đổi, bổ sung và xây dựng mới một số văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến tổ chức và hoạt động của Công an xã, như: Luật Công an nhân dân, Luật Cán bộ, công chức, thay thế Pháp lệnh Công an xã và các văn bản hướng dẫn thi hành; sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Công an xã liên quan đến quản lý nhà nước về an ninh, trật tự cho phù hợp; xây dựng mới văn bản quy phạm pháp luật về tổ chức và hoạt động của lực lượng bán chuyên trách và tổ chức quần chúng tự quản tham gia bảo vệ an ninh, trật tự tại cơ sở (địa bàn cấp xã).