Nhiều mô hình hay, cách làm tốt trong công tác phòng, chống dịch tại Thành phố Hồ Chí Minh

06/08/2021
Thời gian qua, Công an TP. Hồ Chí Minh đã thực hiện nhiều biện pháp để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh Covid-19, trong đó, mô hình dân phòng tự quản, hàng rào mềm ở các khu phố, con hẻm với sự tham gia của quần chúng nhân dân ở các quận, huyện trên địa bàn Thành phố đã mang lại hiệu quả tích cực. Điểm nổi bật của các mô hình này là huy động sức dân tại chỗ để người dân tự kiểm soát những người ra vào các con hẻm, khu phố mà chính họ đang sinh sống.

Trên địa bàn quận 5 với mật độ dân cư đông đúc, tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh, Trung úy Phan Đình Linh, Cảnh sát khu vực Công an phường 1, quận 5 đã chủ động đề xuất ý tưởng vận động người dân các con hẻm thành lập Tổ dân phòng tự quản chốt chặn ở đầu hẻm nhằm kiểm soát việc đi lại, ra vào của người dân. Việc này bắt nguồn từ nhận định dịch bệnh thường thâm nhập cộng đồng bằng hai con đường chính: do người nơi khác vào địa bàn gây lây nhiễm và do người dân trong địa bàn ra ngoài bị lây nhiễm và mang dịch trở về. 

Với Tổ dân phòng tự quản, mỗi con hẻm vận động khoảng từ 08 - 12 người là nam giới ở độ tuổi từ 18 - 60. Mỗi ngày sẽ chia làm 04 ca trực, mỗi ca kéo dài 04 tiếng, bắt đầu từ 6 giờ sáng đến 22 giờ. Nhiệm vụ của Tổ tự quản này là kiểm soát không để người lạ, người giao hàng tự do ra vào các con hẻm khi không có lý do và mục đích chính đáng. Đồng thời, giám sát việc giao nhận hàng hóa của các hộ dân, giám sát các hộ có F0, hộ bị cách ly, tổ chức phun khử khuẩn trong các con hẻm để phòng dịch, hỗ trợ việc giao nhận và đi mua hàng giúp các hộ khó khăn, hộ neo đơn trong hẻm…

 
Một số chốt tình nguyện bảo vệ trên địa bàn các quận, huyện của TP. Hồ Chí Minh.  

 

Trung tá Trần Thanh Hòa, Trưởng Công an phường 1, quận 5 cho biết, từ khi phường triển khai mô hình này, người dân thấy được trách nhiệm và lợi ích của mình trong việc bảo vệ khu phố nên tham gia rất nhiệt tình. Lực lượng Công an cũng có thêm thời gian để tuần tra, xử lý các vấn đề về an ninh, trật tự. Từ sự nhiệt tình tham gia của người dân, mô hình này đã cho thấy những hiệu quả rõ rệt. 100% các con hẻm không có người lạ ra vào, không còn tình trạng tụ tập trong hẻm, người dân tự nguyện và ủng hộ việc lập chốt nên rất ý thức trong việc chấp hành các quy định về phòng, chống dịch…

Tương tự, phường 9, quận Gò Vấp cũng đã thiết lập 24 chốt tự quản “bảo vệ vùng xanh” tại các con hẻm ra vào địa bàn phường. Cư dân của phường phải có lý do chính đáng mới được phép ra ngoài… Theo ông Nguyễn Văn Đông, Trưởng khu phố 4, phường 9, quận Gò Vấp, khi thực hiện mô hình này, hầu hết người dân trong khu vực nhiệt tình ủng hộ, vì đều là bảo vệ chính gia đình họ...

Tại phường Đa Kao, quận 1, sau hơn một tuần, việc thí điểm thiết lập “hàng rào mềm” bảo vệ vùng xanh bằng hình thức tự quản ở một số khu vực đạt hiệu quả, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch đã phát động thực hiện trong toàn phường, nhân rộng mô hình với mục đích chính là bảo vệ sức khỏe, an toàn cho người dân một cách tốt nhất. Thiếu tá Trần Hải Đăng, Trưởng Công an phường Đa Kao, quận 1 chia sẻ, để mô hình đạt hiệu quả tốt nhất, Công an phường chú trọng phân chia ca trực theo từng khung thời gian đảm bảo hợp lý. Ví dụ, những giờ cao điểm nhiều người đi lại sẽ bố trí lực lượng Công an và Bảo vệ dân phố trực chốt. Các khung giờ còn lại sẽ vận động bà con hỗ trợ. Mục đích là để làm sao vừa giám sát được khu phong tỏa và những người lạ qua lại trong khu phố của mình.

 
Lực lượng Công an TP. Hồ Chí Minh thăm hỏi, động viên người dân trực chốt. 

 

Trên địa bàn thành phố Thủ Đức, Công an thành phố Thủ Đức cũng xây dựng mô hình “Khu phố, Tổ dân phố an toàn, không còn Covid-19”, hay các chốt tình nguyện bảo vệ, nhằm nhanh chóng thiết lập khu vực an toàn vững chắc, từng bước làm sạch các ổ dịch, khu phong tỏa trên địa bàn thành phố với quyết tâm bảo vệ cho bằng được “vùng xanh, vùng sạch”, tiến tới xóa bỏ “vùng đỏ” trên địa bàn thành phố…

Với phương châm tuyên truyền đến “từng nhà, từng ngõ, từng hẻm, từng khu phố”, Công an thành phố Thủ Đức đã tổ chức 34 xe ôtô phát loa, 93 loa thùng và tận dụng kể cả loa cầm tay kết hợp với 1.224 loa cố định tại 34 phường để tuyên truyền đến "từng nhà, từng ngõ, từng hẻm, từng khu phố" thường xuyên bắt đầu từ 06 giờ hàng ngày. Riêng tại các điểm chốt phong tỏa cách ly, các khu tập trung đông dân cư trên địa bàn được bố trí phát loa thùng di chuyển thường xuyên, liên tục…

Công an phường Bình Trưng Đông, thành phố Thủ Đức tuyên truyền tại khu dân cư nhiều nhà trọ.

 

Ngoài những địa bàn cụ thể kể trên, tại TP. Hồ Chí Minh, nhiều tổ tự quản, chốt tình nguyện… cũng được lập nên tại nhiều khu phố, con hẻm, ở các phường, quận. Mô hình này thực sự đã mang lại những hiệu quả rất tích cực. Từ khi triển khai thực hiện mô hình tự quản, bà con nhân dân các ngõ hẻm đều rất đồng tình ủng hộ, quyết tâm không cho dịch Covid-19 vào hẻm. Những thành viên tự nguyện tham gia đều đồng lòng, không ngại mưa nắng mà bỏ chốt, cũng không lạm quyền, không tự quyết hay ưu tiên người nhà ra vào. Ngoài việc góp sức, bà con còn ủng hộ bằng nhiều hình thức như ủng hộ tiền, bánh, mì gói, khẩu trang, nước xịt khuẩn, găng tay cao su, kính chống giọt bắn… để các thành viên bảo vệ chốt hiệu quả, lâu dài… 

 

Phú Lữ
Lực lượng CAND - Lá chắn phòng, chống dịch Covid 19 - Thanh bảo kiếm bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội
Liên kết website