Theo đó, dự thảo Thông tư liên tịch này gồm 13 Điều, quy định trách nhiệm trong việc phối hợp giữa người trưng cầu giám định với cá nhân, tổ chức giám định tư pháp và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan trong công tác trưng cầu giám định và tiến hành giám định tư pháp về hình sự.
Thông tư liên tịch này áp dụng đối với các đối tượng sau đây: (1) Người trưng cầu giám định bao gồm: Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng hình sự; người có thẩm quyền tiến hành tố tụng hình sự. (2) Cá nhân, tổ chức giám định tư pháp bao gồm: Giám định viên tư pháp; người giám định tư pháp theo vụ việc; tổ chức giám định tư pháp công lập; tổ chức giám định tư pháp ngoài công lập và tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc. (3) Cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến hoạt động trưng cầu giám định tư pháp và tiến hành giám định tư pháp về hình sự.
|
Ảnh minh họa. |
Người trưng cầu giám định phải căn cứ theo yêu cầu của pháp luật để ra quyết định trưng cầu giám định. Không được lạm dụng việc trưng cầu giám định để kéo dài thời hạn tố tụng. Cá nhân, tổ chức giám định tư pháp chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết luận giám định. Không được đùn đẩy trách nhiệm, né tránh, cản trở hoạt động điều tra. Bảo đảm tính chủ động, thường xuyên, chặt chẽ, kịp thời, tạo điều kiện hỗ trợ nhau trong thực hiện nhiệm vụ.
Người trưng cầu giám định và cá nhân, tổ chức giám định phải phối hợp chặt chẽ, kịp thời để xác định đúng thẩm quyền, lĩnh vực hoặc chuyên ngành cần giám định, nội dung trưng cầu, thời hạn giám định theo quy định của pháp luật. Bảo đảm bí mật nhà nước, bí mật công tác theo quy định của pháp luật và quy định của mỗi cơ quan.
Về Quy định quan hệ phối hợp và trách nhiệm trong chuẩn bị trưng cầu giám định
Dự thảo Thông tư liên tịch quy định đối với người trưng cầu giám định: Ngoài những trường hợp bắt buộc phải trưng cầu giám định, giám định lại, giám định bổ sung, căn cứ yêu cầu xử lý vụ án, vụ việc theo quy định của pháp luật, nếu chứng cứ, tài liệu đã thu thập chưa đủ để làm rõ những vấn đề phải chứng minh, xét thấy cần thiết phải trưng cầu giám định để có kết luận chuyên môn về những vấn đề có liên quan thì ra quyết định trưng cầu giám định.
Thu thập đối tượng giám định, thông tin, tài liệu, đồ vật, mẫu vật có liên quan đến đối tượng, nội dung cần giám định để cung cấp cho cá nhân, tổ chức giám định để thực hiện giám định;
Người trưng cầu giám định phải căn cứ vào yêu cầu của pháp luật để dự kiến những nội dung trưng cầu giám định phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cá nhân, tổ chức giám định tư pháp.
Đối với cá nhân, tổ chức giám định tư pháp: Cung cấp thông tin cho người trưng cầu giám định biết những lĩnh vực, chuyên môn được giám định; Cá nhân, tổ chức giám định trao đổi trực tiếp hoặc trả lời bằng văn bản trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị của người trưng cầu giám định để thống nhất về nội dung trưng cầu, đối tượng giám định, thông tin, tài liệu, đồ vật, mẫu vật cần cung cấp, thời hạn giám định.
Quy định quan hệ phối hợp và trách nhiệm trong tiến hành giám định
Đáng chú ý, dự thảo Thông tư liên tịch cũng quy định trách nhiệm đối với tổ chức được trưng cầu giám định: “Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được quyết định trưng cầu giám định kèm theo hồ sơ, đối tượng giám định, tài liệu, đồ vật, mẫu vật, tổ chức được trưng cầu giám định phải phân công người có trình độ chuyên môn, khả năng nghiệp vụ phù hợp với nội dung trưng cầu, chịu trách nhiệm về năng lực chuyên môn của người đó và thông báo cho người trưng cầu giám định, trừ trường hợp pháp luật có quy định thời hạn ngắn hơn” (quy định tại điểm b khoản 2 Điều 8) và trách nhiệm của cá nhân, tổ chức giám định khi ban hành kết luận giám định bảo đảm đầy đủ nội dung theo quyết định trưng cầu giám định, cụ thể: “Không kết luận chung chung, dùng từ ngữ khó hiểu, không đầy đủ, trả lời không đúng trọng tâm, đưa ra các nhận định chủ quan hoặc không viện dẫn văn bản, căn cứ pháp lý gây khó khăn trong điều tra, xử lý vụ án, vụ việc”.
Toàn văn dự thảo Thông tư liên tịch được đăng trên Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an để lấy ý kiến đóng góp trong thời gian 60 ngày kể từ ngày đăng (nội dung chi tiết xem tại tệp đính kèm). Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thể xem toàn văn dự thảo và tham gia đóng góp ý kiến tại đây.