Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Công an nhân dân trong quản lý giá

18/07/2024
Lượt xem: 645
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 87/2024/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong quản lý giá. Trong đó, quy định rõ về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Công an nhân dân trong quản lý giá.

Cụ thể, Điều 30 của Nghị định quy định Cục trưởng Cục An ninh chính trị nội bộ, Cục trưởng Cục An ninh kinh tế, Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông, Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường, Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Cục trưởng Cục An ninh nội địa, Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự tại cộng đồng, Tư lệnh Cảnh sát cơ động có quyền: Phạt tiền đến 150 triệu đồng; Áp dụng hình thức xử phạt bổ sung quy định tại điểm b khoản 1 Điều 3 và biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 7 Điều 3 Nghị định này.

Phạt tiền tối đa đối với cá nhân vi phạm hành chính trong quản lý giá là 150 triệu đồng, đối với tổ chức là 300 triệu đồng.
Phạt tiền tối đa đối với cá nhân vi phạm hành chính trong quản lý giá là 150 triệu đồng, đối với tổ chức là 300 triệu đồng.


Giám đốc Công an cấp tỉnh có quyền: Phạt tiền đến 75 triệu đồng; Áp dụng hình thức xử phạt bổ sung quy định tại điểm b khoản 1 Điều 3 và biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 7 Điều 3 Nghị định này.

Trưởng Công an cấp huyện; Trưởng phòng nghiệp vụ thuộc Cục An ninh chính trị nội bộ; Trưởng phòng nghiệp vụ thuộc Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội; Trưởng phòng nghiệp vụ thuộc Cục Cảnh sát giao thông; Trưởng phòng nghiệp vụ thuộc Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Trưởng phòng nghiệp vụ thuộc Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao; Trưởng phòng nghiệp vụ thuộc Cục Quản lý xuất nhập cảnh; Trưởng phòng Công an cấp tỉnh gồm: Trưởng phòng An ninh chính trị nội bộ, Trưởng phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Trưởng phòng Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp, Trưởng phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường, Trưởng phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Trưởng phòng Quản lý xuất nhập cảnh, Trưởng phòng An ninh kinh tế, Trưởng phòng An ninh đối ngoại, Trung đoàn trưởng Trung đoàn Cảnh sát cơ động, Thủy đoàn trưởng có quyền: Phạt tiền đến 25 triệu đồng; Áp dụng hình thức xử phạt bổ sung quy định tại điểm b khoản 1 Điều 3 và biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 7 Điều 3 Nghị định này.

Trưởng Công an cấp xã, Trưởng đồn Công an, Trưởng trạm Công an cửa khẩu, khu chế xuất, Trưởng Công an cửa khẩu Cảng hàng không quốc tế, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Cảnh sát cơ động, Thủy đội trưởng có quyền: Phạt tiền đến 2,5 triệu đồng; Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 7 Điều 3 Nghị định này.

Theo đó, Nghị định này quy định về hành vi vi phạm hành chính; hành vi vi phạm hành chính đã kết thúc và hành vi vi phạm hành chính đang thực hiện; hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với từng hành vi vi phạm hành chính; đối tượng bị xử phạt; thẩm quyền xử phạt, mức phạt tiền cụ thể theo từng chức danh và thẩm quyền lập biên bản đối với vi phạm hành chính; việc thi hành các hình thức xử phạt vi phạm hành chính, các biện pháp khắc phục hậu quả trong quản lý giá (bao gồm: hoạt động quản lý, điều tiết giá của Nhà nước; cơ sở dữ liệu về giá; thẩm định giá; thanh tra chuyên ngành về giá, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, thẩm định giá) và việc đăng tải thông tin vi phạm pháp luật về giá, thẩm định giá trên phương tiện thông tin đại chúng.

Đáng chú ý, Nghị định quy định mức phạt tiền tối đa đối với cá nhân vi phạm hành chính trong quản lý giá là 150 triệu đồng, đối với tổ chức là 300 triệu đồng. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, đối tượng vi phạm còn bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả.

Ngoài ra, đối với các hành vi vi phạm trong quy định về định giá và bán hàng hóa, dịch vụ không đúng với quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, Nghị định quy định phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Hành vi bán không đúng mức giá hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá cụ thể; hành vi bán cao hơn mức tối đa của khung giá do Nhà nước ban hành; hành vi bán thấp hơn mức tối thiểu của khung giá do Nhà nước ban hành; hành vi bán cao hơn giá tối đa do Nhà nước ban hành...

Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 12/7/2024.

Minh Ngân
Các bài viết khác
Tìm kiếm