Tổ chức, doanh nghiệp, cơ sở hoạt động kinh doanh, dịch vụ có trách nhiệm gì trong phòng, chống mua bán người?

Người gửi: Nguyễn Quang Việt

Tôi muốn hỏi Bộ Công an, theo quy định, các tổ chức, doanh nghiệp, cơ sở hoạt động kinh doanh có trách nhiệm như thế nào trong phòng, chống mua bán người?

 

 

Ngày hỏi: 11/09/2024 - Lượt xem: 370

Câu trả lời

Về nội dung này, Bộ Công an trả lời như sau:

Tại Điều 17 Luật Phòng, chống mua bán người sửa đổi quy định “Trách nhiệm phòng ngừa mua bán người trong tổ chức, doanh nghiệp, cơ sở hoạt động kinh doanh, dịch vụ như sau:

Các tổ chức, doanh nghiệp, cơ sở hoạt động kinh doanh, dịch vụ quy định tại Điều 10 của Luật này có trách nhiệm sau đây:

1. Cam kết chấp hành quy định của pháp luật về phòng, chống mua bán người;

2. Nắm thông tin về đối tượng được cung cấp dịch vụ và thông báo cho cơ quan có thẩm quyền khi có yêu cầu để phòng ngừa mua bán người;

3. Ký hợp đồng lao động bằng văn bản với người lao động, đăng ký lao động với cơ quan quản lý lao động địa phương để phòng ngừa mua bán người;

4. Thực hiện đầy đủ yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền trong việc thanh tra, kiểm tra về phòng, chống mua bán người đối với hoạt động của tổ chức, doanh nghiệp, cơ sở;

5. Phối hợp, thực hiện đầy đủ yêu cầu khi cơ quan có thẩm quyền sàng lọc dấu hiệu bị mua bán đối với người lao động tại tổ chức, doanh nghiệp, cơ sở;

6. Chủ động phòng ngừa, kịp thời báo cáo cơ quan có thẩm quyền về hành vi có dấu hiệu mua bán người.

 

Điều 10. Quản lý hoạt động kinh doanh, dịch vụ

1. Các hoạt động kinh doanh, dịch vụ sau đây phải được quản lý, kiểm tra nhằm phát hiện, ngăn chặn, xử lý việc lợi dụng để thực hiện hành vi mua bán người:

a) Kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường, xoa bóp; kinh doanh casino; kinh doanh trò chơi trên mạng viễn thông, mạng Internet; kinh doanh dịch vụ nội dung thông tin trên mạng viễn thông, mạng Internet; kinh doanh dịch vụ việc làm, cho thuê lại lao động, tư vấn du học, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, tuyển dụng người nước ngoài làm việc tại Việt Nam; kinh doanh dịch vụ lữ hành, lưu trú;

b) Hoạt động hỗ trợ kết hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài, nuôi con nuôi;

c) Hoạt động kinh doanh, dịch vụ khác dễ bị lợi dụng để mua bán người.

2. Trong phạm vi, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, các Bộ, cơ quan ngang Bộ có trách nhiệm hướng dẫn, quản lý, kiểm tra hoạt động kinh doanh, dịch vụ quy định tại khoản 1 Điều này để phòng, chống mua bán người.


 

 

Người trả lời: Bộ Công an