Việc bảo vệ an toàn cho nạn nhân của tội phạm mua bán người được quy định như thế nào?

Người gửi: Phan Quang Định

Tôi thấy, những nạn nhân của tội phạm mua bán người sau khi được giải cứu họ rất dễ bị tổn thương tâm lý và có nguy cơ bị xâm hại đến tính mạng và sức khỏe. Bộ Công an cho tôi hỏi, theo quy định hiện hành, việc bảo vệ an toàn cho nạn nhân của tội phạm mua bán người và người thân của họ được thực hiện như thế nào?

Ngày hỏi: 21/12/2022 - Lượt xem: 950

Câu trả lời

I. Theo quy định tại Điều 30 Luật Phòng, chống mua bán người năm 2011, việc bảo vệ an toàn cho nạn nhân, người thân thích của nạn nhân mua bán người được quy định như sau:

1. Các biện pháp bảo vệ an toàn cho nạn nhân và người thân thích của họ bao gồm:

a) Bố trí nơi tạm lánh khi nạn nhân, người thân thích của họ có nguy cơ bị xâm hại đến tính mạng, sức khỏe;

b) Giữ bí mật về nơi cư trú, nơi làm việc, học tập của nạn nhân và người thân thích của họ;

c) Các biện pháp ngăn chặn hành vi xâm hại hoặc đe dọa xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm và tài sản của nạn nhân, người thân thích của họ theo quy định của pháp luật;

d) Các biện pháp bảo vệ khác theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự.

2. Chính phủ quy định chi tiết về việc bảo vệ an toàn cho nạn nhân, người thân thích của họ.

 

II. Việc bảo vệ bí mật thông tin về nạn nhân mua bán người được quy định tại Điều 31 Luật Phòng, chống mua bán người năm 2011 như sau:
 
1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm giữ bí mật các thông tin về nạn nhân, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

2. Tòa án xem xét, quyết định việc xét xử kín đối với vụ án mua bán người theo yêu cầu của nạn nhân hoặc người đại diện hợp pháp của nạn nhân.

Người trả lời: Bộ Công an