Hoàn thiện lý luận về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự

20/09/2024
Chiều ngày 20/9/2024, tại Phú Yên, Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp; Tiểu ban lý luận về pháp luật bảo vệ an ninh, trật tự và cải cách tư pháp - Bộ Công an phối hợp với Công an tỉnh Phú Yên tổ chức Hội thảo khoa học “Hoàn thiện lý luận về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự”.

Thiếu tướng PGS,TS. Phạm Công Nguyên, Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp, Trưởng Tiểu ban lý luận pháp luật về bảo vệ an ninh, trật tự và cải cách tư pháp, Bộ Công an; Đại tá Phan Thanh Tám, Giám đốc Công an tỉnh Phú Yên đồng chủ trì Hội thảo.
 

Toàn cảnh Hội thảo.


Tham dự Hội thảo có đại diện lãnh đạo một số đơn vị trực thuộc Bộ; các phòng nghiệp vụ thuộc Công an một số địa phương, trường Công an nhân dân…

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thiếu tướng Phạm Công Nguyên nêu rõ, pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính có vai trò, ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là công cụ pháp lý hữu hiệu của hoạt động quản lý nhà nước nói chung và trong lĩnh vực an ninh, trật tự nói riêng, góp phần phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn và xử lý vi phạm hành chính, từ đó duy trì trật tự, kỷ cương xã hội. Luật Xử lý vi phạm hành chính được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, Kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 20/6/2012, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2013 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) tạo cơ sở pháp lý quan trọng, đánh dấu bước phát triển mới của hoạt động xây dựng pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính ở Việt Nam.

Các quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính liên quan trực tiếp đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng Công an nhân dân, đặc biệt là các đơn vị, hệ lực lượng được giao thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính. Thời gian qua, việc triển khai Luật Xử lý vi phạm hành chính và các văn bản hướng dẫn thi hành trong Công an nhân dân cơ bản đã giải quyết được các mục tiêu trong công tác phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn vi phạm hành chính, góp phần bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Tuy nhiên, trước yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới và thực tiễn công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, các quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính đã bộc lộ một số vướng mắc, bất cập, cần được nghiên cứu tổng kết, đánh giá để đề xuất sửa đổi, bổ sung.

 

Thiếu tướng Phạm Công Nguyên, Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp, Trưởng Tiểu ban lý luận pháp luật về bảo vệ an ninh, trật tự và cải cách tư pháp, Bộ Công an phát biểu tại Hội thảo.


Do đó, việc tổ chức Hội thảo khoa học này là rất cần thiết, nhằm tạo ra diễn đàn để các chuyên gia, nhà khoa học, những người làm công tác thực tiễn, Công an các đơn vị, địa phương trao đổi, thảo luận, đánh giá, đóng góp ý kiến giúp hoàn thiện pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính. Kết quả của Hội thảo là cơ sở khoa học, thực tiễn quan trọng để Hội đồng lý luận Bộ Công an tham mưu Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an tiến hành tổng kết thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) trong Công an nhân dân và đề xuất định hướng sửa đổi, bổ sung trong thời gian tới.

Tại Hội thảo, các đại biểu tham luận đã tập trung đánh giá về sự phù hợp, thống nhất, đồng bộ đối với các quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành với các chủ trương của Đảng về tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; với hệ thống pháp luật hiện hành; thực tiễn đấu tranh phòng, chống vi phạm hành chính, yêu cầu thực tiễn về tổ chức hệ thống Công an 4 cấp và mở rộng thẩm quyền của Công an xã. Đồng thời, các tham luận đã đánh giá những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn triển khai các quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính tại Công an một số đơn vị, địa phương, làm rõ các nguyên nhân, và ra các kiến nghị, đề xuất hoàn thiện pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính...

Phát biểu kết thúc Hội thảo, Thiếu tướng Phạm Công Nguyên đề nghị Ban Thư ký Hội thảo chủ trì, phối hợp với Công an đơn vị, địa phương và các thành viên của Tiểu ban lý luận pháp luật bảo vệ an ninh, trật tự và cải cách tư pháp tập hợp, tham khảo, nghiên cứu tiếp thu ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học và các đại biểu tại Hội thảo; tham mưu Hội đồng lý luận Bộ Công an báo cáo cấp có thẩm quyền tiến hành tổng kết thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính trong Công an nhân dân và xây dựng các đề xuất, kiến nghị hoàn thiện pháp luật tố tụng hình sự.

Lê Hòa
Tìm kiếm