Năm nhóm chính sách lớn trong dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở

26/10/2023
Dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở đã được trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV. Đây là dự án Luật nhận được nhiều sự quan tâm, cho ý kiến của các đại biểu Quốc hội, các cơ quan, tổ chức, các chuyên gia, nhà khoa học, đối tượng bị tác động và đại đa số các ý kiến đều đồng thuận, nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật để đáp ứng yêu cầu thực tiễn khách quan trong việc bảo đảm an ninh, trật tự ở cơ sở.
Theo đó, dự thảo Luật có những nội dung cơ bản sau:
 
1. Về phạm vi điều chỉnh, dự thảo Luật quy định về: Vị trí, chức năng, nhiệm vụ, nguyên tắc tổ chức, hoạt động, quan hệ công tác, xây dựng lực lượng, bảo đảm điều kiện hoạt động và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
 
2. Về vị trí, chức năng của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở: Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã được chỉnh lý thể hiện rõ hơn vị trí, chức năng là lực lượng quần chúng được tuyển chọn trên cơ sở tự nguyện tham gia hoạt động của người dân, do chính quyền thành lập, được ngân sách nhà nước bảo đảm hoạt động; cụ thể, dự thảo Luật quy định lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là lực lượng quần chúng được bố trí ở thôn, tổ dân phố; làm nòng cốt trong hỗ trợ Công an cấp xã thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự, xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ở cơ sở. 
 
So với quy định của pháp luật hiện hành đang quy định lực lượng bảo vệ dân phố, Công an xã bán chuyên trách được thực hiện công tác quản lý, trực tiếp thực hiện biện pháp bảo đảm an ninh, trật tự, dự thảo Luật đã điều chỉnh thay đổi về vị trí, chức năng của các lực lượng này sau khi được kiện toàn thống nhất đó là chuyển từ vị trí, chức năng quản lý, trực tiếp thực hiện biện pháp bảo đảm an ninh, trật tự sang vị trí, chức năng là lực lượng hỗ trợ Công an cấp xã thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự và làm nòng cốt trong hỗ trợ lực lượng Công an thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự, xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ở cơ sở và không chồng chéo với vị trí, chức năng của lực lượng Công an cấp xã. 
 
Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở hỗ trợ Công an cấp xã thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự.  

 
3. Về nhiệm vụ của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở: Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã được rà soát về nhiệm vụ của lực lượng này bảo đảm tính khả thi, phù hợp với năng lực, trình độ, không chồng chéo, không trùng lặp với nhiệm vụ của Công an cấp xã và các lực lượng khác ở cơ sở và thể hiện rõ là lực lượng tham gia hỗ trợ cho Công an cấp xã với 06 nhóm nhiệm vụ cụ thể. 
 
4. Về tiêu chuẩn tuyển chọn, kiện toàn, bố trí lực lượng: Trên cơ sở tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã được chỉnh lý quy định cụ thể hơn về tiêu chuẩn lý lịch, đạo đức, sức khỏe, trình độ văn hóa và việc bố trí lực lượng trên cơ sở kiện toàn thống nhất lực lượng Bảo vệ dân phố, Công an xã bán chuyên trách đang được tiếp tục sử dụng và các chức danh Đội trưởng, Đội phó đội dân phòng thành lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở và được bố trí ở thôn, tổ dân phố theo mô hình Tổ bảo vệ an ninh, trật tự phù hợp với thực tiễn, bảo đảm tính khả thi, đáp ứng yêu cầu bảo đảm an ninh, trật tự ở cơ sở, bảo đảm không tăng biên chế, không bị lãng phí nguồn nhân lực.
 
Dự thảo Luật quy định kiện toàn thống nhất các lực lượng, chức danh thành một đầu mối sẽ góp phần giảm chi ngân sách, bảo đảm linh hoạt, chủ động, nhanh chóng trong chỉ đạo, điều hành, thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự và phòng cháy, chữa cháy ở địa bàn cơ sở; khắc phục được những chồng chéo, mâu thuẫn trong thực hiện nhiệm vụ giữa các lực lượng hiện nay.
 
5. Về bảo đảm điều kiện hoạt động: Dự thảo Luật quy định lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được hưởng mức tiền hỗ trợ thường xuyên hằng tháng, được hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế; được bảo đảm nơi làm việc, bồi dưỡng, huấn luyện, trang bị công cụ hỗ trợ, trang phục, huy hiệu, phù hiệu, biển hiệu, giấy chứng nhận; bảo đảm chế độ, chính sách khi thực hiện nhiệm vụ bị ốm đau, bị tai nạn, chết, bị thương, hy sinh.
 
Đây là nhóm chính sách lớn của dự án Luật được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm, cho ý kiến và các nội dung này cũng đã được Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu, khảo sát, thống kê, đánh giá toàn diện về thực trạng tổ chức, hoạt động, chế độ, chính sách, bảo đảm điều kiện hoạt động của các lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở hiện nay và các quan hệ xã hội có liên quan làm cơ sở đề xuất nội dung quy định trong dự thảo Luật bảo đảm tính khả thi. 
Lê Hòa
Tìm kiếm