Theo quy định tại khoản 1 Điều 22 Luật Giao thông đường bộ năm 2008, thì xe cứu thương đang thực hiện nhiệm vụ cấp cứu là một trong năm loại xe được quyền ưu tiên khi tham gia giao thông. Khoản 3 Điều này cũng quy định khi có tín hiệu của xe được quyền ưu tiên trên tuyến đường di chuyển, người tham gia giao thông phải nhanh chóng giảm tốc độ, tránh hoặc dừng lại sát lề đường bên phải để nhường đường, không được gây cản trở xe được quyền ưu tiên.
Khoản 1 Điều 11 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) quy định trường hợp thực hiện hành vi vi phạm hành chính trong tình thế cấp thiết thì không bị xử phạt vi phạm hành chính (tình thế cấp thiết là tình thế của cá nhân, tổ chức vì muốn tránh một nguy cơ đang thực tế đe dọa lợi ích của nhà nước, của tổ chức, quyền, lợi ích chính đáng của mình hoặc của người khác mà không còn cách nào khác phải gây một thiệt hại nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn ngừa). Ngoài ra, điểm đ khoản 1 Điều 3 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) cũng quy định cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp chứng minh mình không vi phạm hành chính.
Như vậy, trường hợp mà bạn đọc Nguyễn Minh Hoàng hỏi, căn cứ vào các quy định nêu trên người điều khiển phương tiện có hành vi vi phạm “không chấp hành hiệu lệnh của đèn giao thông” sẽ không bị xử lý vi phạm hành chính. Tuy nhiên, người điều khiển phương tiện vi phạm hoặc người đại diện hợp pháp của người người điều khiển phương tiện đó phải chứng minh được việc không chấp hành tín hiệu của đèn giao thông là trong trường hợp cấp thiết để nhường đường cho xe cứu thương đi làm nhiệm vụ cấp cứu người bệnh và quá trình nhường đường phải đảm bảo an toàn cho các phương tiện đang lưu thông trên đường.