Hỏi đáp trực tuyến

Hành vi phân biệt đối xử; ép buộc, mua chuộc hoặc cản trở người khác theo hoặc không theo tín ngưỡng, tôn giáo

Người gửi: Hoàng Trung Kiên

Đảng và Nhà nước ta luôn tôn trọng quyền tự do về tín ngưỡng, tôn giáo của mỗi người dân, chủ trương đúng đắn này đã mang lại sự đoàn kết của dân tộc cũng như giữa các tôn giáo. Tuy nhiên, trên thực tế, trong hoạt động tín ngưỡng tôn giáo, nhiều người dân vẫn bị phân biệt đối xử; ép buộc, mua chuộc hoặc cản trở người khác theo hoặc không theo tín ngưỡng, tôn giáo; xúc phạm tín ngưỡng, tôn giáo… Bộ Công an cho tôi hỏi, trường hợp những người lợi dụng sự uy tín trong các tôn giáo, niềm tin của nhân dân vào tôn giáo để thực hiện các hành vi nêu trên sẽ bị xử lý như thế nào?

Ngày hỏi: 18/03/2022 Lượt xem: 2421

Câu trả lời

Điều 5, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 quy định rõ các nhóm hành vi bị nghiêm cấm, trong đó có các hành vi:

1. Phân biệt đối xử, kỳ thị vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo.

2. Ép buộc, mua chuộc hoặc cản trở người khác theo hoặc không theo tin ngưỡng, tôn giáo.

3. Xúc phạm tín ngưỡng, tôn giáo.

Tại khoản 1, Điều 64, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 quy định xử lý vi phạm pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo: Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Điều 164, Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định “Tội xâm phạm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người khác” như sau:

1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác ngăn cản hoặc ép buộc người khác thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào, đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm:

a) Có tổ chức;

b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

c) Phạm tội 02 lần trở lên;

d) dẫn đến biểu tình;

đ) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 đến 05 năm.

Trên đây là quy định pháp luật về việc xử lý các hành vi vi phạm pháp luật mà bạn đọc đã nêu. Quá trình xử lý hành vi vi phạm pháp luật, các cơ quan hành chính, cơ quan tố tụng sẽ căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ chứng minh hành vi vi phạm (hoặc tội phạm) của các cá nhân liên quan để xử lý theo quy định của pháp luật.

Người trả lời: Bộ Công an