Bộ Công an trả lời như sau:
1. Bộ Công an đã phối hợp với Bộ, ngành, cơ quan như Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp, Ủy ban Tư pháp, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội… xây dựng, trình Quốc hội thông qua Bộ luật Hình sự năm 2015. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm. Theo đó, nguyên tắc xử lý của Bộ luật Hình sự năm 2015 (quy định tại Điều 3) thể hiện chính sách hình sự của Nhà nước ta đối với người phạm tội là nghiêm trị kết hợp với khoan hồng. Nhiều điều luật trong Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung theo nguyên tắc này, đảm bảo vừa xử phạt nghiêm minh, kịp thời, đúng quy định của pháp luật đối với mọi hành vi phạm tội do cá nhân, pháp nhân thương mại gây ra, vừa cảm hóa, giáo dục, cải tạo, giám sát để họ trở thành người có ích cho xã hội và không tái phạm tội.
Cùng với triển khai thi hành Bộ luật Hình sự và các văn bản quy phạm pháp luật khác để phòng ngừa, phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm, Bộ Công an tiếp tục phối hợp Bộ, ngành, địa phương thực hiện Nghị định số 80/NĐ-CP ngày 16/9/2011 quy định các biện pháp bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù; triển khai Chỉ thị số 33/CT-TTg ngày 05/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường các biện pháp bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù, trong đó chú trọng công tác tiếp nhận, quản lý, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù, phòng ngừa tái phạm tội; nâng cao chất lượng công tác giáo dục, tư vấn, hướng nghiệp, dạy nghề, truyền nghề cho phạm nhân, trại viên, học sinh trong các trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng. Hiện nay, Bộ Công an đang xây dựng Chỉ thị về nâng cao chất lượng công tác quản lý, giáo dục đối tượng ở địa bàn cơ sở, trong đó có người chấp hành xong án phạt tù, phòng ngừa tái phạm tội.
2. Những năm qua, tình trạng chống người thi hành công vụ diễn ra phức tạp. Năm 2018, xảy ra 378 vụ, 575 đối tượng, trong đó 115 vụ, 164 đối tượng chống lại lực lượng Công an. Đối tượng chống người thi hành công vụ đa dạng về thành phần và thường chủ động dùng vũ lực, hung khí, vũ khí tấn công hoặc kích động, lôi kéo nhiều người tham gia, gây cản trở quá trình thực thi nhiệm vụ của lực lượng chức năng.
Tiếp thu ý kiến của cử tri, Bộ Công an đã và đang tiếp tục chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tập trung thực hiện một số biện pháp trọng tâm để phòng ngừa, hạn chế và xử lý nghiêm loại tội phạm này, cụ thể là:
- Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 39/CT-TTg ngày 24/10/2017 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật về chống người thi hành công vụ. Chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tham mưu, phối hợp các cấp, các ngành xây dựng và tổ chức thực hiện các kế hoạch, phương án xử lý tình huống chống người thi hành công vụ, không để bị động, bất ngờ trong giải quyết các vụ việc.
- Nghiên cứu, rà soát những bất cập về pháp luật liên quan hoạt động thi hành công vụ và đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật về chống người thi hành công vụ để đề xuất Chính phủ, Quốc hội sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật theo hướng tăng chế tài xử lý nghiêm khắc hành vi chống người thi hành công vụ, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, góp phần bảo đảm quyền, nghĩa vụ công dân, bảo vệ người thi hành công vụ, tăng cường kỷ cương và sự nghiêm minh của pháp luật; quy định rõ hơn về thẩm quyền, trường hợp, thủ tục sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ trong thi hành nhiệm vụ của các lực lượng chức năng để có cơ sở pháp lý bảo vệ người thi hành công vụ và phòng ngừa, xử lý nghiêm hành vi chống người thi hành công vụ theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.
- Phối hợp cơ quan chức năng điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh tội phạm chống người thi hành công vụ, tăng cường xét xử một số vụ án điểm đối tượng chống người thi hành công vụ coi thường pháp luật để răn đe, giáo dục phòng ngừa chung.