Cùng với việc đời sống kinh tế nông thôn ngày càng được nâng cao, số lượng xe máy, môtô, vỏ máy chạy bằng động cơ có mã lực trên 10 CV tăng nhanh. Tuy nhiên, trình độ hiểu biết, ý thức về pháp luật giao thông, kiến thức về điều khiển phương tiện còn hạn chế dẫn đến tai nạn giao thông nói chung và ở nông thôn tăng. Để khắc phục tình trạng này, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, hướng dẫn nhân dân nông thôn điều khiển phương tiện giao thông đúng quy định, áp dụng biện pháp xử phạt. Từ năm 2007, Bộ Công an đã có Hướng dẫn số 1207/BCA-C11 về huy động lực lượng Công an xã tham gia công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, trong đó đã quy định thẩm quyền cho Công an xã được thực hiện một số nhiệm vụ trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Để triển khai thực hiện Luật Giao thông đường bộ năm 2008, Bộ Công an đã báo cáo Chính phủ ban hành Nghị định số 27/2010/NĐ-CP ngày 24/3/2010 về huy động các lực lượng Cảnh sát khác và Công an xã phối hợp với Cảnh sát giao thông đường bộ tham gia tuần tra, kiểm soát trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong trường hợp cần thiết; Nghị định số 73/2009/NĐ-CP quy định chi tiết về hoạt động của Công an xã; Nghị định số 34/2010/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về giao thông đường bộ. Đồng thời, tại Thông tư số 12/2010/TT-BCA của Bộ Công an quy định cụ thể thi hành một số điều của Pháp lệnh Công an xã và Nghị định số 73/2009/NĐ-CP cũng đã quy định Công an xã có trách nhiệm tham gia phối hợp với lực lượng Cảnh sát giao thông thực hiện nhiệm vụ bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn xã.
Căn cứ vào các văn bản quy phạm pháp luật nêu trên và các quy định khác của pháp luật có liên quan, Uỷ ban nhân dân và Công an xã các cấp có trách nhiệm tổ chức thực hiện tốt việc bảo đảm trật tự, an toàn giao thông tại địa phương. Vì vậy, Công an xã có đầy đủ thẩm quyền để xử lý vi phạm trong hoạt động giao thông. Trường hợp có vướng mắc phát sinh thì các cơ quan, tổ chức, cá nhân kịp thời kiến nghị, đề xuất và báo cáo cấp có thẩm quyền để hướng dẫn thực hiện.