Thời gian qua, Bộ Công an đã tập trung chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương huy động lực lượng, phương tiện thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ tổ chức công tác hướng dẫn, tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật, đồng thời tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (TTATGT); trung bình mỗi năm, lực lượng Cảnh sát giao thông đã kiểm tra, phát hiện và xử lý trên 5 triệu trường hợp vi phạm trật tự, an toàn giao thông, phạt tiền nộp Kho bạc nhà nước trên 2.000 tỷ đồng; phối hợp bắt giữ hàng nghìn tên tội phạm hoạt động trên các tuyến giao thông. Kết quả trên đã góp phần tích cực kiềm chế, làm giảm tai nạn và ùn tắc giao thông; năm 2012, 2013 và 6 tháng đầu năm 2014, số người chết do tai nạn giao thông đã được giảm xuống dưới 10.000 người.
Tuy nhiên, tình hình trật tự, an toàn giao thông vẫn diễn biến phức tạp, số vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng vẫn xảy ra nhiều, số người chết, bị thương vẫn ở mức cao. Nguyên nhân của tình trạng trên là do công tác quản lý của Nhà nước về giao thông còn lỏng lẻo, hệ thống cơ sở hạ tầng, công tác quy hoạch hệ thống giao thông còn nhiều bất cập, ý thức của người tham gia giao thông còn nhiều hạn chế.
Để tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, Bộ Công an tập trung chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm sau đây:
- Tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, sử dụng, khai thác tối đa các thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phục vụ việc phát hiện, xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ.
- Tổ chức các đợt cao điểm, xử lý vi phạm theo chuyên đề như: vi phạm chở quá tải; vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện; vi phạm quy định về đội mũ bảo hiểm khi đi xe mô tô, xe máy; tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm bảo đảm TTATGT tại các tuyến đường giao thông nông thôn... để giải quyết tình hình phức tạp về TTATGT, đạt mục tiêu kiềm chế, giảm tai nạn và ùn tắc giao thông.
- Tiếp tục duy trì và phát huy hiệu quả mô hình các tổ công tác phối hợp giữa Cảnh sát giao thông, Cảnh sát hình sự, Cảnh sát cơ động, Cảnh sát 113... tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các đối tượng lạng lách, đánh võng, đua xe trái phép, mang theo vũ khí khi tham gia giao thông và các loại tội phạm hoạt động trên các tuyến giao thông.
- Phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng, chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT nhằm tạo sự đồng thuận của dư luận xã hội và nhân dân ủng hộ hoạt động tích cực của lực lượng chức năng đấu tranh với các hành vi vi phạm TTATGT.
- Xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật đối với các hành vi vi phạm TTATGT có dấu hiệu tội phạm, nhất là các vụ tai nạn giao thông gây hậu quả nghiêm trọng.
- Thông qua công tác đảm bảo TTATGT, phát hiện và kiến nghị với cơ quan chức năng khắc phục, giải quyết các bất hợp lý trong tổ chức giao thông, các nguy cơ gây mất an toàn giao thông và các “điểm đen” tai nạn giao thông.