Hỏi đáp trực tuyến

Về đề nghị tăng cường các biện pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông

Người gửi: Cử tri tỉnh Đà Nẵng

Cử tri rất lo lắng trước thực trạng an toàn giao thông thời gian qua, số nạn nhân chết vì tai nạn giao thông nhiều hơn số người chết trong thời kỳ chiến tranh là vấn đề đáng lo ngại. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các biện pháp tăng cường công tác quản lý, xử lý nghiêm những hành vi tiêu cực.

Ngày hỏi: 28/11/2017 Lượt xem: 6617

Câu trả lời

Những năm gần đây, Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã rất quan tâm và tập trung chỉ đạo công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (TTATGT); Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI) đã ban hành Chỉ thị số 18-CT/TW, ngày 04/9/2012 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm TTATGT đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông; Chính phủ đã có nhiều văn bản chỉ đạo như: Nghị quyết số 88/NQ-CP, ngày 24/8/2011 của Chính phủ về tăng cường thực hiện các giải pháp trọng tâm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; Nghị quyết số 30/NQ-CP, ngày 01/03/2013 của Chính phủ về ban hành chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Chỉ thị số 18-CT/TW, ngày 04/9/2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng; Chỉ thị số 12/CT-TTg, ngày 23/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường thực hiện các giải pháp cấp bách nhằm ngăn chặn tai nạn giao thông nghiêm trọng trong hoạt động vận tải.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công an đã chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương huy động lực lượng, phương tiện tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm, kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm về TTATGT. Năm 2013, Lực lượng Cảnh sát giao thông toàn quốc đã kiểm soát lập biên bản 5.536.203 trường hợp vi phạm TTATGT đường bộ, phạt tiền 2.901,88 tỷ đồng, tước 449.223 giấy phép lái xe, tạm giữ 654.105 phương tiện các loại; 6 tháng đầu năm 2014, đã kiểm soát lập biên bản 2.584.905 trường hợp vi phạm TTATGT đường bộ, phạt tiền 1.470 tỷ đồng, tước 138.675 giấy phép lái xe, tạm giữ 313.473 phương tiện các loại.

Do vậy, tình hình TTATGT đã có nhiều chuyển biến tích cực, ùn tắc giao thông và tai nạn giao thông  đã được kiềm chế, xu hướng giảm dần (năm 2013, xảy ra 31.337 vụ tai nạn giao thông, làm chết 9.851 người, bị thương 32.169 người; so với năm 2012 giảm 13,85 % về số vụ, tăng 0,13 %  số người chết,  giảm 15,48% người bị thương), đạt mục tiêu của Quốc hội, Chính phủ đề ra. Trong 6 tháng đầu năm 2014, xảy ra 12.855 vụ, làm chết 4.588 người, bị thương 12.821 người (so với cùng kỳ năm trước, giảm 17,2% số vụ, 8,36%  số người chết, 19,8% số người bị thương). Tuy nhiên, tai nạn giao thông vẫn diễn biến phức tạp, xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng, liên quan đến xe khách, xe tải, xe Container; các tuyến đường giao thông nông thôn xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông do môtô, xe máy gây ra; vi phạm TTATGT vẫn xảy ra phổ biến, nhất là vi phạm tốc độ, tránh vượt không đúng quy định, vi phạm nồng độ cồn, đi mô tô,  xe máy không đội mũ bảo hiểm, chở người và chở hàng vượt quá quy định...

Nguyên nhân là do: (1) Ý thức của người tham gia giao thông còn hạn chế. (2) Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho người tham gia giao thông mặc dù đã được các cấp, các ngành quan tâm nhưng chủ yếu ở diện rộng, chưa cụ thể hóa tới từng đối tượng, từng vùng, từng miền. (3) Công tác quản lý nhà nước về giao thông vận tải vẫn còn bất cập. (4) Phương tiện, thiết bị kỹ thuật phục vụ tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm còn thiếu, lạc hậu; kết cấu hạ tầng và dịch vụ vận tải công cộng tại các đô thị lớn còn có mặt hạn chế; tại các đô thị lớn, trong khi phương tiện và người tham gia giao thông ngày càng tăng, nhưng biên chế của lực lượng Cảnh sát giao thông còn mỏng. (5) Tinh thần, trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức trong khi thi hành nhiệm vụ bảo đảm trật tự, an toàn giao thông chưa cao, còn để xảy ra hiện tượng tiêu cực. (6) Chính quyền cơ sở ở một số nơi chưa quan tâm đúng mức đến công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.

Bộ Công an đã thường xuyên tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng lực lượng Cảnh sát giao thông ngày càng trong sạch, vững mạnh, hạn chế những sai phạm trong khi thi hành công vụ. Để phòng ngừa, phát hiện và xử lý sai phạm, tiêu cực của cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát giao thông trong khi thực hiện nhiệm vụ, Bộ Công an đã phê duyệt đề án “Tổ chức phòng ngừa sai phạm tiêu cực trong hoạt động tuần tra kiểm soát của lực lượng Cảnh sát giao thông” và ban hành các văn bản hướng dẫn, tổ chức triển khai thực hiện trong toàn lực lượng Cảnh sát giao thông:  Quyết định số 607/QĐ-BCA, ngày 11/5/2005 quy định tiêu chuẩn đạo đức, tác phong của cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát giao thông, những việc cần phải “xây” và “chống”; Chỉ thị số 02/CT-BCA, ngày 26/01/2006 về tăng cường các biện pháp phòng, chống tiêu cực trong lực lượng Cảnh sát giao thông; Quyết định số 738/QĐ- BCA, ngày 13/6/2006 về tiếp nhận, xử lý tin phản ánh sai phạm, tiêu cực của Cảnh sát giao thông qua đường dây điện thoại nóng; Chỉ thị số 12/2011/CT-BCA, ngày 28/9/2011 về tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, ngăn chặn, chấn chỉnh, xử lý vi phạm và các hiện tượng tiêu cực trong thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, chiến sĩ công an...

Bộ Công an đã lập các đoàn kiểm tra Công an các đơn vị, địa phương và chỉ đạo xử lý cán bộ sai phạm. Công an các đơn vị, địa phương đã thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, chấn chỉnh cán bộ, chiến sĩ nâng cao hiệu quả công tác, chấp hành nghiêm Điều lệnh Công an nhân dân, quy chế làm việc, quy trình công tác, tạo được bước chuyển biến tích cực, quan trọng trong công tác phòng ngừa sai phạm, tiêu cực của Cảnh sát giao thông. Hầu hết cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát giao thông đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, tận tụy với công việc, nêu gương liêm khiết không nhận hối lộ. Năm 2013, có 3.073 lượt cán bộ, chiến sĩ không nhận hối lộ của lái xe, chủ hàng. Tuy nhiên, vẫn còn một số cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát giao thông thiếu tu dưỡng rèn luyện dẫn đến sai phạm, vi phạm quy trình công tác, làm ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh người chiến sĩ Công an nhân dân.

Thời gian tới, để phòng ngừa sai phạm, tiêu cực trong lực lượng Cảnh sát giao thông, Bộ Công an tiếp tục chỉ đạo thực hiện các giải pháp trọng tâm, sau đây:

- Đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, giáo dục truyền thống, tạo chuyển biến sâu sắc hơn về phẩm chất, đạo đức, tác phong, tinh thần trách nhiệm, ý thức phục vụ nhân dân, ý thức chấp hành quy trình, chế độ công tác, điều lệnh Công an nhân dân của cán bộ, chiến sĩ.

- Tiếp tục cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, thực hiện công khai minh bạch các hoạt động của Cảnh sát giao thông có liên quan đến quyền lợi của nhân dân, để nhân dân chấp hành và ủng hộ giúp đỡ lực lượng Cảnh sát giao thông; đồng thời tham gia giám sát, phát hiện sai phạm của cán bộ, chiến sĩ.

- Thực hiện nghiêm túc việc rà soát, đánh giá phân loại, điều chuyển cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ tuần tra kiểm soát giao thông, gắn với yêu cầu phòng ngừa, ngăn chặn sai phạm.

- Tập trung trang thiết bị, huấn luyện, đào tạo lực lượng Cảnh sát giao thông đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ; tăng cường các biện pháp quản lý cán bộ, kiểm tra, thanh tra phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp sai phạm và trách nhiệm liên đới của lãnh đạo, chỉ huy. Chăm lo cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ, chiến sĩ; biểu dương khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc.

Bộ Công an đề nghị cử tri cả nước tiếp tục quan tâm, giúp đỡ, ủng hộ, kịp thời hỗ trợ, bảo vệ, động viên Cảnh sát giao thông trong khi làm nhiệm vụ; đồng thời, tham gia giám sát hoạt động của lực lượng Cảnh sát giao thông, phát hiện sai phạm (nếu có) để phản ánh với cấp có thẩm quyền xử lý.

Người trả lời: Bộ Công an