Những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, lực lượng Công an đã tập trung tham mưu với cấp ủy, chính quyền các cấp chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia phòng, chống tội phạm, liên tục triển khai các chương trình, kế hoạch, biện pháp tăng cường phòng ngừa, đấu tranh, kiềm chế gia tăng tội phạm và tệ nạn xã hội. Năm 2014, lực lượng Công an đã phát hiện, khởi tố, điều tra 77.913 vụ án, tăng 2%, trong đó tội phạm trộm cắp tài sản là 25.449 vụ, tăng 3,08%, tội phạm mua bán người là 220 vụ, tăng 10% so với năm 2013; tỷ lệ điều tra, khám phá tội phạm về trật tự xã hội đạt 77,3%, tăng 1,34%; đã triệt phá 4.904 băng nhóm tội phạm, trong đó, có 161 băng nhóm nguy hiểm, góp phần bảo đảm an ninh, trật tự, phục vụ có hiệu quả sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội và đối ngoại của đất nước.
Tuy nhiên, tình hình tội phạm vẫn diễn biến phức tạp, một số loại tội phạm có chiều hướng gia tăng, nhất là tội phạm sử dụng “vũ khí nóng”, tội phạm hoạt động theo băng, nhóm, tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm mua bán người, tội phạm trộm cắp tài sản, tội phạm ma túy...
Nguyên nhân chủ yếu là: (1) Tình hình kinh tế còn khó khăn, kéo theo nhiều người lao động mất việc làm tạo áp lực lớn đến các vấn đề xã hội. (2) Đạo đức trong gia đình, nhà trường, xã hội, lối sống thực dụng, hưởng thụ, chạy theo lợi ích vật chất, nhất là trong thanh, thiếu niên rất đáng lo ngại. (3) Tác động tiêu cực của ấn phẩm đồi trụy, trò chơi trực tuyến trên mạng Internet (game online) đối với thanh, thiếu niên đang trong độ tuổi phát triển về nhận thức, tâm, sinh lý chưa có giải pháp ngăn chặn hiệu quả. (4) Số người nghiện ma túy tổng hợp có chiều hướng tăng và diễn biến phức tạp, nhất là ở địa bàn các thành phố lớn, tiềm ẩn nhiều yếu tố làm nảy sinh tội phạm (cả nước hiện có 204.377 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý). (5) Công tác phòng ngừa xã hội, phòng ngừa nghiệp vụ còn hạn chế, tỷ lệ khám phá tội phạm trộm cắp tài sản chưa cao. (6) Phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc chưa được duy trì thường xuyên. (7) Ý thức cảnh giác của nhiều người dân còn hạn chế, chủ quan, sơ hở bị tội phạm lợi dụng. (8) Công tác quản lý Internet nói chung và các trang mạng xã hội nói riêng còn bất cập; các mạng xã hội hiện nay chủ yếu có máy chủ đặt tại nước ngoài, dẫn đến khó khăn trong xác định cụ thể đối tượng phạm tội. (9) Hệ thống các văn bản pháp luật còn có những bất cập, nhất là các quy định liên quan đến xử lý tình trạng vay nợ, “tín dụng đen” trong nhân dân, quản lý người nghiện ma túy, việc xử lý đối tượng sử dụng công nghệ cao phạm tội.
Trước tình hình trên, Bộ Công an đã và đang chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương thực hiện một số công tác trọng tâm sau:
(1) Tham mưu với cấp ủy, chính quyền các cấp chỉ đạo tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chủ trương, giải pháp của Đảng, Nhà nước về công tác phòng, chống tội phạm, bảo đảm an ninh, trật tự. Huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm; xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền và cơ quan Công an đối với công tác này.
(2) Phối hợp với các ngành chức năng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức và cảnh giác trong nhân dân đối với tội phạm trộm cắp tài sản, tội phạm lừa đảo qua mạng xã hội, tội phạm mua bán người; vận động nhân dân tích cực tham gia phòng ngừa, phát hiện, tố giác tội phạm.
(3) Tăng cường triển khai đồng bộ, có hiệu quả các biện pháp phòng ngừa đối với các loại tội phạm, nhất là đối với các băng, nhóm tội phạm, tội phạm trộm cắp tài sản, tội phạm lừa đảo qua mạng xã hội, tội phạm ma túy, tội phạm mua bán người; quản lý chặt chẽ vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ... Đẩy mạnh công tác lập hồ sơ đưa đối tượng vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cai nghiện bắt buộc, trường giáo dưỡng và đưa vào diện giáo dục tại xã, phường, thị trấn theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính.
(4) Phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng trong quản lý nhà nước đối với Internet. Tăng cường hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao để chủ động phòng ngừa, phối hợp xử lý tội phạm mạng có tính chất xuyên quốc gia, tội phạm quốc tế qua Inernet.
(5) Tăng cường công tác kiểm tra, thu hồi vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trong nhân dân; phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi tàng trữ, buôn bán, sản xuất trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.
(6) Tổ chức thực hiện có hiệu quả các quy định về công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm; thiết lập và duy trì hoạt động của các đường dây “nóng” (điện thoại, email), hòm thư tố giác tội phạm để tiếp nhận, xử lý kịp thời mọi thông tin, tài liệu liên quan đến tội phạm, nhất là hoạt động của các băng, nhóm tội phạm.
(7) Liên tục triển khai các cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, tập trung trấn áp các băng, nhóm tội phạm nguy hiểm, hoạt động đâm thuê, chém mướn, tội phạm sử dụng vũ khí gây án, giết người, cướp, cướp giật tài sản, tội phạm ma túy... ở các thành phố lớn, các tuyến, địa bàn trọng điểm, không để tội phạm gia tăng, không để tội phạm lộng hành.
(8) Phối hợp chặt chẽ với các ngành tư pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, nhất là đối với các vụ án về tội phạm hoạt động theo băng, nhóm, sử dụng “vũ khí nóng”, hung khí gây án, tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm ma túy, tội phạm mua bán người; tổ chức xét xử kịp thời các vụ án điểm nhằm răn đe tội phạm.
(9) Rà soát, xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, tạo hành lang pháp lý cho công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, trọng tâm là xây dựng dự án Luật Phòng, chống tội phạm có tổ chức, Luật Truy nã tội phạm; phối hợp xây dựng các văn bản hướng dẫn thực hiện Bộ luật hình sự, Bộ luật tố tụng hình sự, Luật Xử lý vi phạm hành chính...