Công tác phòng ngừa mua bán người trong các tổ chức, cơ sở hoạt động kinh doanh, dịch vụ được quy định như thế nào?

Người gửi: Phan Thanh Võ

Tôi thấy nhiều người do giới thiệu việc làm sang nước ngoài hoặc nhận con nuôi của người nước ngoài mà trở thành nạn nhân của hành vi mua bán người. Bộ Công an cho tôi hỏi, việc phòng ngừa mua bán người trong các tổ chức, cơ sở hoạt động kinh doanh, dịch vụ được quy định như thế nào?

Ngày hỏi: 29/12/2022 - Lượt xem: 634

Câu trả lời

Theo Điều 15 Luật Phòng, chống mua bán người, việc phòng ngừa mua bán người trong các tổ chức, cơ sở hoạt động kinh doanh, dịch vụ được quy định như sau:
 
1. Các tổ chức, cơ sở hoạt động kinh doanh, dịch vụ trong lĩnh vực hỗ trợ kết hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài, cho, nhận con nuôi, giới thiệu việc làm, đưa người Việt Nam đi lao động, học tập ở nước ngoài, tuyển dụng người nước ngoài làm việc tại Việt Nam, dịch vụ văn hóa, du lịch và các hoạt động kinh doanh, dịch vụ có điều kiện khác dễ bị lợi dụng để thực hiện hành vi quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều 3 của Luật này có trách nhiệm:
 
a) Ký hợp đồng lao động bằng văn bản với người lao động; đăng ký lao động với cơ quan quản lý lao động địa phương;
 
b) Nắm thông tin về đối tượng được cung cấp dịch vụ và thông báo cho cơ quan có thẩm quyền khi có yêu cầu để phối hợp quản lý;
 
c) Cam kết chấp hành quy định của pháp luật về phòng, chống mua bán người;
 
d) Phối hợp, tạo điều kiện cho các cơ quan có thẩm quyền trong việc thanh tra, kiểm tra đối với hoạt động của tổ chức, cơ sở mình.
 
2. Người lao động làm việc tại các cơ sở kinh doanh, dịch vụ quy định tại khoản 1 Điều này phải chấp hành quy định về quản lý hộ khẩu và ký cam kết không vi phạm pháp luật về phòng, chống mua bán người.
Người trả lời: Bộ Công an